Huyện vùng cao Tam Đường nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lai Châu. Đây là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện còn cao. Năm 2023, toàn huyện giảm 6,57% hộ nghèo (vượt 1,7% so với kế hoạch). Địa phương phấn đấu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất 5%.
Tại xã Bản Bo, huyện Tam Đường, những năm trước đây, người dân chủ yếu canh tác bằng phương thức sản xuất lạc hậu, giống cây trồng cho năng suất, chất lượng thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Để nâng cao thu nhập đồng thời giảm nghèo đa chiều, bù đắp các chiều thiếu hụt cho người dân, xã Bản Bo đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân xã Bản Bo tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh sản xuất hàng hóa, hình thành được vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Hiện diện tích trồng cây lương thực trong xã đạt 681 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt 3.470 tấn.
Xã cũng xây dựng vùng chè chất lượng cao theo quy chuẩn VietGAP diện tích 867 ha. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng chè búp tươi đạt 3.500 tấn, tăng 720 tấn so với cùng kỳ năm 2023; thảo quả 39,7 ha; chăm sóc và phát triển diện tích cây mắc ca...
Gia đình chị Lò Thị Phanh ở bản Phiêng Pẳng, xã Bản Bo, là một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để vươn lên thoát nghèo. Chị kể nhờ thay đổi nếp nghĩ, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình chị đã chuyển đổi diện tích nương ngô kém hiệu quả sang trồng 2ha cây chè kim tuyên chất lượng cao.
Anh chị còn nuôi nhốt 11 con trâu sinh sản và hơn 100 con gà, vịt. Năm 2023, nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng giúp các chiều dịch vụ xã hội cơ bản của gia đình cũng được cải thiện đáng kể, chất lượng sống được nâng cao.
Không chỉ vận động người dân có ý thức vươn lên song song với can thiệp hỗ trợ sinh kế, xã Bản Hon cũng quan tâm thực hiện tốt chính sách về y tế cho người nghèo. Xác định giảm nghèo bền vững, đa chiều phải luôn chú trọng giải quyết việc làm, xã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%… Năm 2023, xã giảm được 8,5% tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng.
Tại xã Bản Hon, từ nguồn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có giảm nghèo bền vững, người Lự ở bản Đông Pao II đã thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm để phát huy thế mạnh của địa phương. Xã cũng khuyến khích bà con chủ động đưa các loại cây trồng có giá trị vào sản xuất; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và nhân rộng các mô hình hiệu quả như chanh leo, chè… Từ đó, đời sống của nhân dân trong bản từng bước được nâng lên.
Gia đình chị Lò Thị Phương, ở bản Đông Pao II, xã Bản Hon là hộ nghèo được hỗ trợ trâu sinh sản, đồng thời được hướng dẫn về kỹ thuật để chăm sóc, phòng chống dịch bệnh.
Nhận được con trâu hỗ trợ từ Nhà nước, gia đình chị Phương tận dụng đất vườn để trồng cỏ voi làm thức ăn. Đến nay, trâu đã sinh được một con nghé. Được trao sinh kế cho người dân nghèo, gia đình chị Phương và nhiều hộ khác còn được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, cuộc sống của gia đình từng bước được cải thiện.
Cũng như xã Bản Bo hay Bản Hon, tại huyện Tam Đường, công tác giảm nghèo bền vững được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, cho biết huyện đã quyết liệt chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nhiều chính sách dành cho hộ nghèo như: Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt; khuyến khích doanh nghiệp, liên kết với người dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa,... Các chính sách này được thực hiện đầy đủ, công khai và kịp thời, từ đó, người dân nâng cao ý thức tự lực, tự cường, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
Trên hành trình giảm nghèo, huyện Tam Đường đã có những cách làm hay, sáng tạo, khơi dậy ý chí của người dân, trong đó, chăn nuôi và trông trọt được huyện xác định là mũi nhọn để cải thiện cuộc sống người dân.
Người dân được tuyên truyền, hướng dẫn để thay đổi nhận thức chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt gia súc, cấp vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô lớn. Năm 2023, huyện Tam Đường có tỷ lệ tăng trưởng gia súc đạt 6,1%/năm, là một trong những địa phương có tỷ lệ tăng trưởng gia súc cao nhất tỉnh Lai Châu.
Lãnh đạo UBND huyện cho biết đã thực hiện hàng loạt chính sách khuyến khích doanh nghiệp, liên kết với người dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa như: cây chanh leo, lúa hàng hóa, cây ớt, bí xanh và cây sắn dây… Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bà con đã có thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/người/năm. Trên địa bàn huyện có hàng trăm hộ dân tự nguyện xin rút khỏi diện hộ nghèo.