Mới đây, một người dân ở Hà Tĩnh viết tâm thư “đòi tuổi thơ cho trẻ” gửi tới lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh này. Trong thư, ông bày tỏ nỗi niềm và sự lo lắng khi các cháu mình phải đi học thêm quá nhiều. Ông cũng cho rằng, tình trạng trên khiến trẻ không có thời gian vui chơi, phát triển toàn diện các kỹ năng.

Quan điểm của ông nhận được nhiều sự đồng tình. Đa số các phụ huynh cho rằng thay vì nhồi nhét kiến thức, trẻ cần có nhiều thời gian để chơi, vận động, đặc biệt ở lứa tuổi tiểu học. 

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này cũng có ý kiến trái chiều. VietNamNet xin giới thiệu chia sẻ của thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa tại Hà Nội:

Ảnh minh họa.

Tuổi thơ là tuổi để học. Không chỉ riêng con người, bất kỳ giống loài nào cũng đều phải dành phần lớn giai đoạn đầu đời cho việc học.

Không thể phủ nhận các hoạt động vui chơi là một phần quan trọng trong đời sống của trẻ. Bởi lẽ, trong giai đoạn này, trẻ đang phát triển về thể chất, trí não và các kỹ năng xã hội cơ bản.

Vì thế, vui chơi là một trong những cách thức giúp trẻ thúc đẩy quá trình này. Quá trình chơi sẽ giúp trẻ học hỏi, khám phá thế giới xung quanh, tạo ra sự tò mò và khát khao học hỏi, từ đó giúp trẻ xây dựng tinh thần độc lập, sáng tạo và tự tin. Tuy nhiên, chơi chỉ là một cách để học.

Trong tự nhiên, tất cả các giống loài đều phải dành phần lớn giai đoạn đầu đời cho việc học các kỹ năng để sinh tồn. Đối với con người, việc học phức tạp và nặng nề hơn. Bởi con người không chỉ có phần sinh học mà còn có phần xã hội.

Tri thức con người tích lũy được qua hàng ngàn năm rất đồ sộ và trẻ phải dành nhiều thời gian học tập, tiếp thu và làm chủ các tri thức đó. Thông qua việc học, trẻ không chỉ sinh tồn được trong tự nhiên ở góc độ sinh học mà còn sống trong xã hội một cách thành công và hạnh phúc.

Cho nên, tới độ tuổi nhất định, trẻ cần phải được đến trường học tập trung, bởi đây chính là nơi tri thức của nhân loại đã được tổng kết thành sách vở qua các môn học và được truyền đạt một cách cô đọng, dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Khi tới trường, trẻ cũng được học cách sống, quan hệ, giao tiếp với bạn bè cùng thế hệ.

“Tuổi thơ là thời gian vàng để học” nhưng việc học và chơi cần được thiết kế cân bằng và phù hợp với các đặc điểm về thể chất, tâm lý của trẻ trong từng thời điểm.

Có những lứa tuổi việc chơi có thể chiếm ưu thế, nhưng có những lứa tuổi việc học tập phải coi là quan trọng nhất.

Ảnh minh họa.

Để việc học trở nên hấp dẫn, thú vị, trẻ không cảm thấy việc học là nhồi nhét, ép buộc - học tập nên được thực hiện thông qua các hoạt động vui chơi, trải nghiệm.

Nếu được xây dựng công phu, bài bản, hình thức này đem lại ưu điểm là sinh động, gợi hứng thú, gây ấn tượng mạnh và cung cấp các kỹ năng, kiến thức cho trẻ một cách đa dạng, thông qua cả hình ảnh, âm thanh và sự vận động...

Tuy nhiên, có những tri thức, nhất là những tri thức hàn lâm, có tính học thuật cao không dễ dàng có thể chuyển hóa thành hoạt động vui chơi hay trải nghiệm. Do đó, trẻ vẫn bắt buộc phải học qua trường lớp, sách vở.

Dù học hay chơi đối với trẻ, ưu tiên cao nhất là thu nạp tri thức, hình thành và phát triển các kỹ năng; là sự học hỏi để trưởng thành, hạnh phúc và thành công.

Học mà chơi, chơi để học sẽ là cách tốt nhất để việc học tập trở nên thú vị, không nhàm chán và việc chơi cũng không bị vô bổ, lãng phí thời gian.

Tùy từng lứa tuổi, cấp độ kiến thức cần tiếp thu, việc thiết kế hoạt động, tỷ lệ thời gian, công sức dành cho việc học và chơi sẽ khác nhau.

Không nên có quan điểm cực đoan, phủ nhận giá trị của học hay chơi. Như vậy, trẻ mới có được tuổi thơ thật giá trị, ý nghĩa.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Độc giả có thể phản hồi dưới bài hoặc gửi ý kiến về email Bangiaoduc@vietnamnet.vn