Hiện nay, Nam Định có hơn 140 làng nghề. Tuy nhiên, phần lớn đều đi theo mô hình hộ sản xuất, kinh doanh cá thể và tập trung nhiều ở ngành dệt may. Dựa trên thực tế này, quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 xác định các cơ sở may là “nhóm ngành nghề nền tảng khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh”. 

aaaaaa1.jpeg
May mặc là một trong những ngành sản xuất mũi nhọn tại tỉnh Nam Định

Giống với đa số các làng nghề khác, nhiều hộ gia đình làm dệt may trên địa bàn tỉnh vẫn vấp phải hạn chế về năng lực sản xuất và sức cạnh tranh khi sản phẩm làm ra còn khá đơn điệu, khả năng xúc tiến thương mại chưa cao và chưa có được chiến lược phát triển sản phẩm đường dài.

Bài toán đặt ra là làm thế nào để đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất, hoặc ít nhất có thể khai thác tối đa sức mạnh của mô hình hộ sản xuất và kinh doanh cá thể vốn đang chiếm tỷ trọng cao tại các làng nghề. 

Dự án “Chuyển đổi số doanh nghiệp Việt qua TMĐT” được Shopee triển khai gần đây đang góp phần đi tìm lời giải này.

Khai thác tối đa thế mạnh của mô hình “sản xuất vệ tinh”

“Đổi mới không đồng nghĩa với việc gạt bỏ các giá trị cũ, và tăng trưởng vẫn phải dựa trên nền tảng của những gì đã được gây dựng” là góc nhìn từ phía Shopee khi triển khai dự án “Chuyển đổi số doanh nghiệp Việt qua TMĐT” tại phạm vi các hộ làng nghề tại Nam Định.

Hiện nay, phần lớn các hộ sản xuất may mặc tại Nam Định vẫn đang duy trì mô hình vệ tinh. Nghĩa là một hộ nhận đơn đặt hàng và chia nhỏ cho các hộ hoặc xưởng sản xuất khác gia công thành phẩm. Từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nơi đây đã từng bước thiết lập các chuỗi liên kết sản xuất hoàn chỉnh từ cung ứng nguyên liệu, phụ kiện đến khâu hoàn thiện sản phẩm tạo ra giá trị hàng hoá lớn. 

“Việc thay đổi mô hình sản xuất truyền thống không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, điều này cần thời gian, kinh phí và sự đồng thuận của các cá thể sản xuất tại làng nghề. Thay vào đó, chúng tôi tìm cách tối ưu hóa mô hình hiện hữu này để người dân có thể phát huy thế mạnh vốn có”, đại diện Shopee cho biết.

Trong khuôn khổ dự án “Chuyển đổi số doanh nghiệp Việt qua TMĐT”, Shopee tìm cách kết nối với các hộ sản xuất cá thể trong làng để đặt hàng gia công và hỗ trợ nhóm này bán hàng trên sàn TMĐT, đạt trung bình khoảng 80.000 đơn vị sản phẩm mỗi tháng, tùy vào nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất của từng hộ. Điều này trực tiếp tạo ra thu nhập cho các hộ làng nghề và gián tiếp tạo công ăn việc làm cho rất nhiều xưởng sản xuất khác ở các vùng lân cận. 

Anh Trần Văn Nam, một trong số các hộ sản xuất tham gia dự án cho biết, mỗi tháng gia đình anh cung ứng từ 40.000 - 60.000 đơn vị sản phẩm cho Shopee. Tính trong tháng 4 năm nay, lượng đặt hàng từ sàn đã tăng hơn 300% so với thời điểm đầu năm, một con số tăng trưởng theo anh Nam là “thần tốc”.

aaaaaaaa2.jpeg
Một số mặt hàng do nhà anh Nam sản xuất có mặt trên sàn TMĐT Shopee. Hiện hộ sản xuất này đã nhận tổng cộng 50 mẫu quần áo từ Shopee đặt hàng. Ảnh: Shopee

Đến đầu tháng 6, số nhân công mà vợ chồng anh Nam quản lý đã vượt con số 60, đồng thời liên kết với 4 xưởng sản xuất để giải quyết các đơn hàng lớn từ Shopee. Nhân lực tay nghề cao và có sẵn giúp cơ sở anh Nam có được thế mạnh về “nhảy mẫu”, có thể ra ngay thành phẩm sau khi nhận mẫu một ngày. Chủ hộ sản xuất còn chỉ ra rằng: “Mô hình này giúp chúng tôi giảm tối đa chi phí quản lý, từ đó giảm giá thành sản phẩm”. 

Nhân rộng dự án đưa sản phẩm làng nghề lên sàn TMĐT

Trên thực tế, dự án “Chuyển đổi số doanh nghiệp Việt qua TMĐT” mà Shopee triển khai không chỉ dừng lại ở việc kết nối các hộ sản xuất và đưa sản phẩm lên sàn TMĐT một cách đơn thuần. Để đi được đường dài, sàn có nhiều động thái hỗ trợ mang tính chiều sâu.

Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm thế mạnh sẵn có, Shopee còn hỗ trợ các hộ may mặc định hình dòng sản phẩm bán chạy trên thị trường nhằm cân bằng cán cân cung - cầu giữa nhà sản xuất và người tiêu thụ. Song song, các vấn đề về mở rộng nguồn nguyên liệu cũng được sàn tham vấn. 

Các yếu tố liên quan đến kỹ thuật như: cập nhật thông số sản phẩm, quy trình đóng gói đúng chuẩn, giám sát quy trình sản xuất, kiểm hàng để hạn chế rủi ro và tự động hóa các thao tác thủ công về quản lý đơn hàng cũng được sàn hỗ trợ toàn bộ.

Quan trọng nhất trong số này là các “trợ lực” từ vận hành, marketing cho đến bán hàng, những thao tác mà phần lớn các hộ sản xuất truyền thống đều cảm thấy xa lạ hoặc đã từng thử nhưng không thể nắm bắt. Dự án của Shopee lấp đầy những lỗ hổng kinh nghiệm này bằng các hỗ trợ đầu cuối. 

image005.png
Dự án của Shopee hỗ trợ các nhà sản xuất theo phương thức truyền thống chuyển đổi số

Theo Shopee, sàn chịu trách nhiệm cho tất cả các khâu từ đăng bán sản phẩm, marketing, chăm sóc khách hàng, vận chuyển…, để các hộ sản xuất có thể tập trung hoàn toàn vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nói cách khác, dự án của Shopee giúp đơn giản hóa quá trình thâm nhập thị trường TMĐT của các hộ sản xuất truyền thống, gia tăng tối đa hiệu quả, lợi nhuận cho họ bằng cách mở rộng kênh bán trực tuyến mà vẫn giữ nguyên thế mạnh vốn có của làng nghề.

Đại diện Shopee cho biết, dự kiến đến cuối năm 2024, dự án sẽ tiếp tục kết nối với Sở Công thương các tỉnh để mở rộng mạng lưới hộ làng nghề may mặc và các làng nghề khác trên địa bàn tỉnh Nam Định, tiếp đó là Bắc Ninh và nhiều tỉnh thành tiềm năng khác trên toàn Việt Nam.

Doãn Phong