Những năm qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển sôi động, giúp các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp lớn do rào cản gia nhập thương mại điện tử thấp hơn so với thị trường kinh doanh truyền thống, đặc biệt có thể giúp họ vươn ra thị trường trong nước và khu vực. 

Tuy nhiên, một số khảo sát thị trường mới đây cho thấy, các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp siêu nhỏ, SMEs của Việt Nam gặp nhiều vấn đề khi tham gia thương mại điện tử. Các hộ kinh doanh, doanh nghiệp này rất cần sự hỗ trợ, đào tạo về kỹ năng tiếp cận thương mại điện tử.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay, theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2024 do VECOM công bố, lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 25 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn thị trường vẫn chỉ tập trung ở hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP.HCM. 

“Còn rất nhiều SMEs, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên cả nước chưa có cơ hội tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử một cách hiệu quả”, ông Kiên lưu ý. 

Dao tao SMEs.jpg
Các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự hỗ trợ, đào tạo về các kỹ năng tiếp cận thương mại điện tử.

Nhằm khắc phục hiện trạng nêu trên, VECOM phối hợp với Công ty TNHH Shopee (trực thuộc SEA - công ty hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực tiêu dùng Internet) khởi động Sáng kiến Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp có tên gọi “Shopee hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa”. Theo đó, 100.000 doanh nghiệp siêu nhỏ và SMEs trên khắp cả nước sẽ được hỗ trợ triển khai ứng dụng thương mại điện tử. 

“Thay vì thu hàng triệu đồng cho các khóa đào tạo từ bên thứ ba, Shopee và đối tác cung cấp các khóa đào tạo miễn phí. Đây không chỉ là một sáng kiến ngắn hạn mà thể hiện cam kết lâu dài thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển và đóng góp vào nền kinh tế quốc gia. Shopee kỳ vọng chương trình này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các mục tiêu của nền kinh tế số Việt Nam và thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Singapore trong lĩnh vực số”, ông Jason Bay, Giám đốc Quốc gia của SEA Limited nhấn mạnh tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VECOM và Shopee vừa diễn ra ở Hà Nội.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam đánh giá cao Chương trình “Shopee hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa" phản ánh trọng tâm hợp tác của hai nước đang chuyển sang kinh tế số, một lĩnh vực hợp tác tiềm năng to lớn. 

“Kinh tế số không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là việc trao quyền cho mọi người. Điểm mạnh thực sự của chương trình Shopee là sự tập trung vào việc xây dựng năng lực và nâng cao khả năng bền bỉ của các doanh nghiệp siêu nhỏ, SMEs tại Việt Nam. Bằng cách đầu tư vào các doanh nghiệp này, Shopee đang đầu tư vào tương lai của nền kinh tế Việt Nam, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện sinh kế trên toàn quốc”, Đại sứ Jaya nhấn mạnh. 

Thời gian qua, tại Việt Nam, Shopee đã phối hợp triển khai đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho rất nhiều SMEs. Chỉ riêng trong năm ngoái đã tiếp cận gần 10.000 người bán hàng thông qua các hội thảo đào tạo từ trung ương đến địa phương. 

Bên cạnh đó, Shopee cũng mở rộng Chương trình Hỗ trợ nhà bán địa phương thông qua sáng kiến "Enabling Vietnam" (Chuyển đổi số doanh nghiệp Việt qua thương mại điện tử), hỗ trợ hơn 1.000 nhà sản xuất địa phương nâng cao khả năng logistics, phân phối và gia tăng sự hiện diện của sản phẩm trên cả thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Hiện tại, hơn 90% sản phẩm trên Shopee được cung cấp và bán bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Thêm vào đó, hơn 350.000 SMEs và hơn 1.000 thương hiệu Việt Nam đã được hỗ trợ phát triển ra thị trường ASEAN thông qua chương trình “Bán hàng toàn cầu” của Shopee.

Để khởi động chương trình “Shopee hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa”, Shopee và VECOM vừa phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội triển khai khóa đào tạo đầu tiên cho hơn 200 doanh nghiệp và 100 sinh viên trên địa bàn Thủ đô. Nội dung đào tạo gồm: Những kiến thức cơ bản về thương mại điện tử; Sử dụng các kênh tiếp thị số, bao gồm livestream, để tương tác với khách hàng và tăng cường nhận diện thương hiệu; Phân tích và tối ưu hóa hiệu quả bán hàng; Tăng trưởng doanh thu thông qua xuất khẩu…