Tại Hội thảo các giải pháp xử lý cuối vòng đời của pin xe điện được tổ chức cuối tháng 10 năm 2023, TS. Nguyễn Sỹ Linh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có bài tham luận về chính sách quản lý chất thải nguy hại (CTNH) của Việt Nam. 

Theo đó, Điều 3, Luật BVMT 2020 định nghĩa: CTNH là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác. 

CTNH có thể kể đến sơn các loại trong sử dụng trong xây dựng, trang trí nhà cửa; Pin đồng hồ, tivi, điều hòa, đồ chơi…; Các loại dầu mỡ đã qua sử dụng như ô tô, xe máy…; Các thiết bị vỡ, hỏng đã qua sử dụng có chứa thủy ngân như nhiệt kế, các loại bóng đèn; Vỏ chai, lọ đựng hóa chất nguy hại như thuốc diệt côn trùng (muỗi, ruồi, chất tẩy rửa phòng tắm, nhà bếp, bình xịt…; Chất thải từ những hoạt động thăm dò, khai thác và sản xuất khoáng sản; Chất thải từ quá trình luyện kim; chất thải dạng rắn; Chất thải của ngành may mặc, dệt, vải, da, lông, thuốc nhuộm... 

TS. Nguyễn Sỹ Linh cho biết, ước tính hàng năm Việt Nam phát sinh khoảng gần 900.000 tấn CTNH, trong đó từ 20-30% là CTNH công nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp hàng năm phát sinh khoảng 9.000 tấn CTNH và lĩnh vực y tế phát sinh khoảng hơn 21.374 tấn.

Theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018), nhiệm vụ cơ bản được đặt ra là: Chất thải rắn nguy hại được quản lý và kiểm soát chặt chẽ từ nguồn thải đến thu gom, vận chuyển và xử lý cuối cùng; đa dạng hóa công nghệ xử lý bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại… Bên cạnh đó là hạn chế và tiến tới loại bỏ việc tự xử lý CTNH tại nơi phát sinh có sử dụng công nghệ đốt hoặc chôn lấp. Tỷ lệ CTNH được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định vào năm 2025 là 95% và năm 2030 là 98% (năm 2020 là 85%).

Theo TS. Nguyễn Sỹ Linh, quy định pháp luật về quản lý CTNH ở Việt Nam có thể kể đến Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020; Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020; Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020; Thông tư 59/2017/TT-BTC Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép xử lý CTNH; Thông tư số 20/2021/TT-BYT quy định về quản lý chất thải y tế trong khuôn viên cơ sở y tế; Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ…  và một số Quy chuẩn liên quan.  

W-12-chinh-sach-quan-ly-chat-thai-nguy-hai-cua-viet-nam-1.jpg
Các định hướng chính sách về quản lý CTNH đang thiên về quản lý chất thải rắn hơn là chất thải nói chung.

Có thể thấy Việt Nam đã có định hướng chính sách và các quy định pháp luật về quản lý CTNH, tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Sỹ Linh, các định hướng chính sách về quản lý CTNH đang thiên về quản lý chất thải rắn hơn là chất thải nói chung gồm cả nước thải, khí thải và vi sinh vật; Định hướng chính sách và các quy định pháp luật về quản lý pin nói chung, pin của các phương tiện xe điện nói riêng chưa được đề cập nhiều; Chưa có nhiều doanh nghiệp chuyên trách về thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH theo nhóm chất thải, theo nguồn phát thải… mà đang chung cho tất các các loại CTNH. Đặc biệt, thông tin về chính sách và quy định pháp luật về quản lý CTNH chưa được sơ đồ hóa, truyền thông đến toàn xã hội; Vai trò và ý nghĩa của quản lý CTNH, đặc biệt là xử lý CTNH dựa trên tiêu chí về công nghệ, môi trường-xã hội và kinh tế chưa được truyền thông nhiều.  

Từ vấn đề trên, TS. Nguyễn Sỹ Linh đề xuất một số kiến nghị như các định hướng chính sách về quản lý CTNH cần bao gồm cả từ nguồn nước thải, khí thải và vi sinh vật. Việt Nam cần sớm ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về CTNH là pin sau khi sử dụng, đặc biệt là từ các phương tiện giao thông… Các quy định pháp luật, đặc biệt là quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý nên cụ thể cho từng loại CTNH và cần được sơ đồ hóa, truyền thông đến toàn xã hội.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV