Ngày 10/10/2017, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTNMT về việc “Tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng”. Sau khi có Chỉ thị, các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc triển khai hệ thống đường dây nóng bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động từ các đường dây nóng này vẫn còn thấp.
Đầu năm 2022, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đã ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường với mục tiêu: Tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường; phát huy vai trò của người dân và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành từ Trung ương đến địa phương trong việc tiếp nhận đầy đủ, kịp thời thông tin về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng.
Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng phải đảm bảo nhanh chóng, chính xác, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền; được thực hiện theo chế độ “Khẩn” và ưu tiên; đảm bảo giữ bí mật về danh tính, điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin cũng như đảm bảo bí mật thông tin của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; việc tiếp nhận thông tin đường dây nóng phải đảm bảo thông suốt, liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ.
Phân loại thông tin để xác minh gồm thông tin về vụ việc xả chất thải ra môi trường mang tính tức thời, đột xuất, có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất hoặc thông tin về biến đổi hiện trạng chất lượng môi trường trên diện rộng; thông tin về vụ việc xả chất thải ra môi trường thường xuyên, liên tục (có tính quy luật) của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình, cá nhân hoặc thông tin về biến đổi hiện trạng chất lượng môi trường trên phạm vi hẹp; phân loại thông tin theo thẩm quyền, trách nhiệm xử lý vụ việc.
Phương thức tiếp nhận thông tin đường dây nóng được đề cập bao gồm: Gọi điện, nhắn tin vào các số điện thoại đường dây nóng; gửi thông tin vào thư điện tử đường dây nóng, qua Hệ thống thông tin trên website (địa chỉ website: https://pakntt.monre.gov.vn) hoặc gửi thông tin qua ứng dụng trên thiết bị di động (tên ứng dụng: paknMonre).
Nội dung thông tin tiếp nhận thông qua đường dây nóng gồm: Thông tin của tổ chức, cá nhân phản ánh, kiến nghị: Họ và tên, địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử; tên tổ chức, cá nhân có dấu hiệu, hành vi gây ô nhiễm môi trường (nếu xác định được); thời gian xảy ra hoặc phát hiện vụ việc; địa điểm, vị trí của vụ việc; mô tả loại hình ô nhiễm (nước thải, khí thải, chất thải rắn, tiếng ồn); tính chất, mức độ vụ việc (xảy ra tức thời, đột xuất hay thường xuyên, liên tục); phạm vi, mức độ ô nhiễm hoặc thông tin về biến đổi hiện trạng chất lượng môi trường có khả năng do hành vi xả chất thải gây ra; những bằng chứng kèm theo: ảnh, video, bản ghi âm, tài liệu và hồ sơ khác (nếu có).
Hiện nay, số điện thoại và thư điện tử đường dây nóng của Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm: 1800088848; pakn@monre.gov.vn. Số điện thoại và thư điện tử đường dây nóng của Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: 1900999915; duongdaynong@vea.gov.vn
Ứng dụng trên máy tính (chạy trên nền tảng Web) sử dụng trang thông tin điện tử Hệ thống tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường có địa chỉ: https://pakntt.monre.gov.vn (dùng cho các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường); https://pakn.monre.gov.vn (dùng cho các cơ quan, cá nhân tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường). Ứng dụng trên thiết bị di động phục vụ tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường có tên paknMonre.