Để khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP. Nghị định 117 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020.

{keywords}

Bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi có thể bị phạt đến 5 triệu. Ảnh minh họa

Nghị định 117 có một số điểm mới như rà soát lại các hành vi vi phạm để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Y tế đã được ban hành mới trong thời gian qua.

Trong đó có tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm để bảo đảm tính răn đe, đặc biệt là các quy định liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, khám bệnh, chữa bệnh, BHYT…

Nghị định đã liệt kê cụ thể các chức danh có thẩm quyền xử phạt đối với từng hành vi cụ thể. Nghị định quy định các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về địa điểm cấm hút thuốc lá; phòng, chống tác hại của rượu, bia...

Bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi có thể bị phạt đến 5 triệu

Trong số các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế, một lĩnh vực được nhiều người quan tâm là lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá. Theo đánh giá của Bộ Y tế, đây là lĩnh vực còn có nhiều hành vi vi phạm, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm còn có khó khăn.

Theo Đại diện Vụ Pháp chế , Bộ Y tế, liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm thuốc lá hiện nay đang có trong rất nhiều quy định của nhiều văn bản khác nhau, nhiều Luật khác nhau.
Đối với Nghị định 117, nội dung các xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuốc lá quy định từ Điều 25 - Điều 29.

Tại Điều 25 quy định về xử phạt vi phạm về địa điểm cấm hút thuốc lá, nếu như trước đây chỉ xử phạt từ 100 - 200 nghìn đồng thì nay tăng lên từ 200 - 500 nghìn đồng.

Cũng tại điều này quy định, tại địa điểm cấm hút thuốc nếu như không có biển “cấm hút thuốc lá”, cơ quan chức năng nếu phát hiện sẽ xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng.

Đáng chú ý, tại Điều 26 Nghị định này quy định về mức phạt tiền đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi như sau:

Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá.

Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không bị xử phạt theo lĩnh vực y tế...

Một điểm đáng chú ý khác của Nghị định 117 là đưa ra mức phạt đối với các hành vi vi phạm về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.

Theo đó, Nghị định đã bổ sung thêm quy định về việc vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá.

Tại Điều 29 quy định: phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng đối với các hành vi sau: Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá; Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá.

Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế, lâu nay đã có những ý kiến cho rằng chúng ta chưa chú trọng đến công tác kiểm tra và xử phat vi phạm quy định về phòng chống tác hại thuốc lá, nhưng với những quy định của Nghị định 117 về tăng thẩm quyền, tăng hình thức xử phạt nguội đối với vi phạm về thuốc lá, hy vọng cơ quan chức năng liên quan tăng cường xử phạt.

Kim Anh