Trước đây, bà con ở các làng, bản vùng cao của Quảng Ninh muốn mua hàng hoá đều phải chờ đến những buổi chợ phiên hoặc phải trèo đèo, lội suối vượt hàng chục cây số đường rừng để ra trung tâm thị trấn mới có. Tuy nhiên, từ khi tỉnh triển khai chuyển đổi số, việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các làng, bản vùng cao trong tỉnh rút ngắn được khoảng cách địa lý, tiết kiệm được thời gian và công sức. Thế nên, bây giờ chỉ cần dùng điện thoại thông minh, bà con vùng cao không cần phải chờ tới chợ phiện hay ra tận thị trấn cũng có thể mua hàng được hàng ngay. Không chỉ mua hàng, mà đóng tiền điện, nước, nộp học phí cho con,… cũng chỉ cần một thao tác trên điện thoại là hoàn tất mọi giao dịch. 

Thời gian qua, bên cạnh sự quan tâm đầu tư hạ tầng Internet băng rộng để đồng bào dân tộc dễ dàng tiếp cận với tiện ích số, tỉnh còn triển khai các tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương, thực hiện phương châm đến tận làng, bản, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn bà con những nội dung về chuyển đổi số. 

Tại Quảng Ninh, hiện nay, người dân ở vùng cao, miền núi đều tích cực tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như: Đăng ký, quản lý cư trú; đăng ký, cấp biển số xe, giấy phép lái xe;... Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã được sử dụng internet với tốc độ cao; diện tích phủ sóng thông tin di động chất lượng sóng 4G các khu vực dân cư toàn tỉnh hiện đã đạt 99,8%.

quảng ninh ảnh.jpg
Cán bộ Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân nộp hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến. 

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo sự đột phá để phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 05/02/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 09), với mục tiêu bao quát trên 3 trụ cột: Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. 

Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 09 đã đem đến nhiều lợi ích thiết thực, có tác động tích cực tới mọi mặt đời sống, xã hội; góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số tỉnh Quảng Ninh.

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh nằm trong nhóm top đầu về chuyển đổi số toàn quốc, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố (chỉ sau TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh), tăng 4 bậc so với năm 2021; đồng thời, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT Index); và đứng thứ 1 toàn quốc về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bước sang năm 2023, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành về chỉ số thành phần chính quyền số, Quảng Ninh cũng được ghi nhận và biểu dương là địa phương điển hình trong top đầu về hạ tầng số.

Năm 2022, Quảng Ninh đứng đầu toàn quốc về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong toàn tỉnh tăng cao, số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 70%; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến hiện đạt trên 76%, tăng hơn 31% so với thời điểm trước khi chưa có Nghị quyết 09 và cao hơn 20% so với mục tiêu của Trung ương yêu cầu. 

Một trong những đột phá trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ninh phải kể đến việc phát triển xã hội số. Đây là lĩnh vực được đánh giá có nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, phải kể đến 100% người dân trong độ tuổi lao động đã được phổ cập điện thoại thông minh; 100% các địa phương đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với thanh toán phí và lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính, mua sắm, khám chữa bệnh, nộp học phí, tiền điện, nước… triển khai hoá đơn điện tử, hoàn thiện dữ liệu dân cư bảo đảm tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”; cấp CCCD gắn chíp, định danh điện tử mức độ 2, làm sạch dữ liệu về BHXH, y tê, giáo dục, tư pháp, dân cư….

Điển hình ngành y tế, với việc triển khai đồng bộ 3 nội dung về chuyển đổi số: Xây dựng cơ sở hạ tầng số, triển khai thống kê y tế điện tử để từng bước hình thành Trung tâm dữ liệu về y tế tỉnh; triển khai bệnh án điện tử/bệnh viện không giấy tờ, thanh toá không dùng tiền mặt, khám chữa bệnh từ xa…. đến nay, 100% các cơ sở y tế trong tỉnh đều đã thực hiện chuyển đổi số thành công giúp nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 59.762 số hồ sơ lĩnh vực y tế đã được liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia; 100% các cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện sử dụng CCCD có gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT thay thế thẻ BHYT; đặc biệt, các cơ sở y tế trong tỉnh đã triển khai đẩy mạnh việc áp dụng giải pháp thanh toán QRcode động trong thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ y tế tại 100% các đơn vị.

Không riêng gì ngành y tế, thời gian qua, các ngành, lĩnh vực cũng như các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực trong việc thực hiện chuyển đổi số, bước đầu mang lại những lợi ích thiết thực phục vụ người dân.

Đúng như khẳng định của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường, chuyển đổi số là xu thế tất yếu mà Quảng Ninh không thể đứng ngoài. Chuyển đổi số là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững và phát huy vai trò của một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc; đồng thời tạo ra những giá trị mới cho đời sống xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. 

Năm 2024 và những năm tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết số 09; trong đó,  tập trung ưu tiên chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm để tiếp tục đưa chuyển đổi số thành một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.