- Chúng tôi sẽ bàn cách đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống vào sản xuất, hỗ trợ bà con "cần câu" về lâu dài, chứ không chỉ "con cá" - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời trăn trở.

Từ ngày 31/10 đến 2/11, 100 tấn gạo và 500 triệu đồng của Tập đoàn Lộc Trời đã đến với những nơi khó khăn nhất của vùng lũ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An.

Đến tận nơi để cảm nhận, chia sẻ

Những hạt gạo - hạt ngọc trời - như cách họ gọi tên trân trọng món quà mà Thượng đế ban cho con người, đã được đưa từ tận đồng bằng sông Cửu Long vượt cả ngàn cây số tiếp sức người dân vùng lũ.

Những chiếc xe tải chở gạo băng qua màn mưa xám xịt. Hai bên đường, dòng nước lũ đục ngầu chực ập lên mặt đường. Chỉ chậm vài tiếng đồng hồ, những con đường này sẽ bị nước chia cắt.

8h sáng 31/10, tại UBND xã Mỹ Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), trời mưa như trút nước nhưng gần 1.000 người dân đã có mặt để nhận quà của Lộc trời và báo VietNamNet.

{keywords}
Hạt gạo từ ĐBSCL tiếp sức làm ấm lòng người dân vùng lũ

Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời đã đến cầm tay, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Ông chia sẻ, ông như một người con xa quê hương lâu ngày trở về (ông Thòn từng có thời gian học tại Bố Trạch đầu những năm 1970).

"Về tận đây mới trải nghiệm, mới cảm nhận được mức độ nghiêm trọng, hơn những gì đọc qua báo chí. Bởi vậy, chúng tôi đến không phải để làm từ thiện thông thường mà để thăm hỏi, chia sẻ với bà con là chính. Đến, mới cảm thông thực sự với nỗi khổ, sự khó khăn bà con nơi lũ chồng lũ, bão chồng bão thế này phải chịu đựng", ông Thòn chia sẻ.

Trong khi phát quà (gồm 20kg gạo và 100 ngàn đồng/hộ), thấy nhiều cụ già lưng đã còng rạp, ông Thòn dặn nhân viên phải mang gạo về tận nhà cho các cụ và thực hiện cả ở những địa phương tiếp theo, khiến nhiều người xúc động.

Cầm phong bì nhỏ trên tay, cụ Nguyễn Thị Tuể (75 tuổi) ở thôn 1, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch rưng rưng: “Xã thông báo gạo sẽ được phát tận tay người dân. Tôi lo mình tôi không mang nổi 20kg gạo nhưng may mắn đã có các chú giúp đưa về tận nhà, tôi mừng hết sức”.

Nước sông lên nhanh, dự báo lũ chồng lên lũ. Xác định phải phát gạo cho bà con trước khi cơn lũ tiếp theo ập đến, đoàn lại nhanh chóng di chuyển lên xã Thạch Hóa và Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa). Ở đó cũng có 1.500 hộ dân đang chờ.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch xã Kim Hóa khẳng định: “Những phần quà của Lộc Trời vô cùng thiết thực và có ý nghĩa với bà con vùng lũ những ngày này. Quà của đoàn sẽ được cấp phát trực tiếp đến tận tay người dân, bảo đảm đúng địa chỉ, đúng đối tượng, góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân”.

Giữa mù mịt mưa lũ, đoàn xe lại cấp tốc lên đường để kịp đến với bà con ở rốn lũ Hương Khê (Hà Tĩnh). Khi những chuyến xe đến Hương Khê cũng là lúc cả huyện miền núi này đang gồng mình hứng chịu trận lũ thứ hai chỉ trong 15 ngày.

Khu vực xã Hương Giang, Gia Phố, 2 địa điểm đoàn đến trao 30 tấn gạo và 150 triệu, nước lũ đã chia cắt nhiều thôn xóm. Nghĩ không thể trao quà như dự định, đoàn cùng lãnh đạo địa phương thống nhất sẽ tập kết quà tại một điểm và nhờ phát sau.

Nhưng, khi đoàn tới Gia Phố, hơn 1.000 người dân đã đội mưa đứng chờ tự bao giờ.

“Lũ trước chưa qua thì lũ sau lại đến. Chúng tôi không còn sức lực để chống chọi. Đoàn đến chia sẻ đúng lúc giữa mưa lụt thế này chúng tôi cảm động lắm”, bà Lưu Thị Hoàn, một người dân ở Gia Phố nói.

Chia tay rốn lũ Hương Khê, đoàn lại tiếp tục hành trình ra Nghệ An, trao tiếp 20 tấn gạo và 100 triệu đồng cho người dân bị thiệt hại sau trận lũ vừa qua ở 6 xã tại huyện Yên Thành.

Tự lập mới là chính

Trực tiếp đem hạt gạo vượt cả ngàn cây số ra chia sẻ với đồng bào miền Trung, ông Thòn cho biết đó là mang tình cảm của đồng bào vùng nguyên liệu đồng bằng sông Cửu Long ra tiếp sức để bà con vùng lũ ấm lòng. Để bà con đang phải chịu đựng thiên tai có niềm tin rằng đồng bào cả nước đang sát cánh cùng họ trong những khó khăn trước mắt.

"Tôi phải giấu cái xúc động, ủy mị của mình khi đến đây để động viên bà con mạnh mẽ, đoàn kết chia sẻ với nhau", ông Thòn chùng giọng.

{keywords}
Ông Huỳnh Văn Thòn bắt chặt tay động viên bà con vùng lũ

Rồi ông lại rắn rỏi như thường thấy: "Nhường cơm sẻ áo là truyền thống của dân tộc ta nhưng tự lập mới là chính, cứu trợ không phải là biện pháp tốt cho lâu dài. Về trong này tôi nói với anh em là sẽ tiếp tục giúp đỡ họ chứ không chỉ một lần này là xong. Khu vực mình vẫn còn dễ sống dễ thở, có điều kiện hơn, mình phải cố gắng làm ăn cho tốt để có dư dả chia sẻ với bà con còn khó khăn nơi bão lũ thiên tai quá mức".

"Chúng tôi có ý tưởng lần tới ra sẽ bàn cách đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống vào sản xuất hỗ trợ cho bà con trong sản xuất", ông nói.

Theo ông Thòn, rất cần một kế hoạch lớn và lâu dài của nhà nước để tổ chức lại lao động, tổ chức lại sản xuất, thiết kế lại đồng ruộng và các công trình công cộng giúp bà con những vùng thường xuyên phải chịu thiên tai lũ lụt này.

"Tổ chức lại sản xuất mới có thể giúp bà con vượt qua khó khăn lâu dài, nhưng phải cần một quyết tâm rất lớn", ông Thòn chia sẻ.

Minh Thư - Hải Sâm