Cà phê doanh nghiệp" tháng 7/2023
Hiện nay, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 ngày 09/6/2015 được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 116 ngày 07/9/2018. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có thể được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo lên tới 70 - 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, doanh nghiệp có nhu cầu vay để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể được các ngân hàng xem xét cho vay với lãi suất thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn…
Những những chính sách tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp như tên vừa được đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bến Tre chia sẻ tại buổi “Cà phê doanh nghiệp" tháng 7/2023.
Tại buổi họp mặt, có 10 lượt ý kiến trao đổi của DN và phản hồi của sở, ban, ngành, đơn vị liên quan. DN quan tâm vấn đề về việc tập trung đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, tạo thêm quỹ đất sạch để DN triển khai các dự án đầu tư, di dời các cơ sở sản xuất trong nội ô TP. Bến Tre...
Cụ thể, doanh nghiệp đề xuất Bến Tre cần có giải pháp đột phá trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng bằng nguồn ngân sách để có đất sạch giao ngay cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, và tiếp tục thu tiền sử dụng đất của doanh nghiệp trước đền bù giải phóng mặt bằng cho các diện tích khác… để không làm mất cơ hội của doanh nghiệp cũng như cơ hội thu hút đầu tư của tỉnh. Tỉnh cũng nên quan tâm xây dựng điểm kinh doanh sản phẩm OCOP của tỉnh phục vụ khách du lịch; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại ngoài nước…
Trước những ý kiến của doanh nghiệp, UBND thành phố Bến Tre đã chia sẻ về những khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trong bối cảnh ngân sách của tỉnh, địa phương còn nhiều khó khăn. Đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, giới thiệu về dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đến các nhà đầu tư tiềm năng.
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp Bến Tre đang đối mặt nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường sụt giảm, dẫn đến tồn kho lớn,… Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội quan trọng để doanh nghiệp tái cấu trúc lại hoạt động, nâng cao hiệu quả quản trị để vượt qua khó khăn và phát triển ổn định, bền vững.
Tập trung giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp với tinh thần trách nhiệm cao nhất
Tại buổi cà phê, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn thông tin với cộng đồng doanh nghiệp về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023; công tác giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các công trình, dự án trọng điểm (cầu Rạch Miễu 2, Khu công nghiệp Phú Thuận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre có vốn từ ODA Hàn Quốc…); các vấn đề liên quan đến xử lý rác thải; việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp…
Khép lại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đã tập trung nhiều giải pháp, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), giảm 50% thuế trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước…
Tại Bến Tre, HĐND tỉnh Bến Tre cũng đã ban hành nghị quyết nhằm tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp dẫn đầu của tỉnh.
Đối với các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, trong phạm vi thẩm quyền, UBND tỉnh ghi nhận và cam kết sẽ giải quyết thấu đáo cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trúc Sơn cũng đề nghị các sở, ngành, tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục lắng nghe, thấu hiểu tập trung giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.