Và cho dù ở thời Tết@ thì cái quan trọng nhất vẫn là việc lưu giữ hồn cốt, bản sắc riêng, không nên để nó cũng hòa tan, lai tạp với những vật phẩm ngoại lai khác.
Như một phong tục văn hóa truyền thống trải qua hàng ngàn năm, mâm cỗ ba ngày Tết ngoài việc để tưởng nhớ Trời- Đất, tổ tiên, ông bà… còn là ước nguyện cho năm mới tốt lành.
Nhưng mỗi ngày mỗi khác, tết thời nay vẫn là những bát, đĩa, món khô, món nấu… đầy đủ lệ bộ nhưng nó có “mùi vị” khác, “mùi” của ngành công nghệ chế biến thực phẩm ăn liền đang dần thay thế sự khéo léo, tinh tế và cả sự thăng hoa của đôi tay người nội trợ trong gian bếp tết Việt.
60 phút là đủ bốn bát, tám đĩa
Theo nghệ nhân ẩm thực Hà Nội Phạm Ánh Tuyết, “quy chuẩn” cho một mâm cỗ tết truyền thống theo phong tục của người Việt để cúng tổ tiên đêm 30 và dịp đầu năm mới, ít nhất cũng phải có 04 bát, 08 đĩa với các món đặc trưng.
Đừng sợ, theo cái thực đơn đó, bạn chỉ cần 01 giờ đồng hồ dạo siêu thị là “rinh” về nhà đầy đủ, chất hết vào tủ lạnh, để đến đúng ngày, đúng giờ, và cũng chỉ cần 01 giờ nữa để lấy mấy thứ đó trong tủ lạnh cho vào lò vi sóng, bắc lên bếp hồng ngoại, bếp gaz… Việc sau cùng là bày mọi thứ lên mâm để chuẩn bị thắp hương mời ông bà tổ tiên…
Riêng tết, trong siêu thị và nhiều công ty thực phẩm đưa ra hàng “đặc chủng” để dành cho mâm cỗ tết rất phong phú.
Các bà nội trợ chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Táo. (Ảnh fb Nguyễn Ngọc Xuân) |
Ngay đến con gà dùng đề cúng cũng được làm sạch tạo dáng bài bản rất đẹp, nhanh thì mua gà đã luộc sẵn, cầu kỳ thì mang về nhà luộc (cũng chỉ mất chừng 30 phút)… Thậm chí còn có cả nước hầm xương thịt cần thiết để chế biến các món canh cũng làm sẵn để trong hộp thiếc.
Đến cả món ăn dân giã ở miền quê nay cũng vào siêu thị và thành thực phẩm thượng hạng ngày tết như món “cá kho làng Vũ Đại”, niêu lớn, niêu nhỏ… đều sẵn hết, khỏi phải lọ mọ loay hoay…
Tiện dụng và đỡ mất thời gian hơn, ở Hà Nội và TP.HCM nhiều nơi ngay từ đầu năm đã “chào” sản phẩm dịch vụ mới: “Gói mâm cỗ 03 ngày tết”, tùy theo món, số lượng mà có giá khác nhau…
Và góp một phần cho cái tết@, nhanh- tiện- gọn thì 02 năm trở lại đây, và nhất là trong Tết Ất Mùi 2015 này là các “ông đồ” tân thời, dùng phần mềm viết chữ và in bằng máy. Cái ý nghĩa của xin chữ- cho chữ đã hoàn toàn “công nghệ hóa” thành chọn chữ- in chữ- bán mua chữ, như một nickname trên Fb tên Hoàng Lê đã hài hước: “Nhiều người vào xin chữ/Đồ trẻ móc...Ai – Phone/Save as từ ...Phây – Búc/Lấy chữ từ ..Gu - Gồ !/Đặt máy in tại chỗ/Cứ thế, Đồ trẻ..."Phô"/Tha hồ khách chọn lựa/"Bán Chữ" thời...A - Còng !”.
Tết “công nghiệp hóa”- được và mất
Trong tình cảm người Việt, Tết Nguyên đán là tết dân tộc mang ý nghĩa tâm linh truyền thống, và cho dù có “hiện đại hóa, công nghiệp hóa” đến đâu thì vẫn như ngàn xưa, mang những nét văn hóa phong tục thuộc về “di sản tinh thần”.
Tết @, một mặt nào đó, vẫn mang những tính cách đặc trưng theo phong tục tập quán, vẫn giữ gìn những “thủ tục” trong 03 ngày tết như truyền thống, nhưng lại có sự biến tấu rất năng động đúng với cách tiếp cận xu hướng thời đại công nghệ, nhất là với thế hệ trẻ.
Cái được trước hết của tết “công nghiệp hóa” chính là thời gian, một cách tiết kiệm hữu ích. Nếu tính toán số thời gian một người nội trợ cần có để làm hoàn hảo cỗ bàn ba ngày tết theo đúng lệ thì con số quả không nhỏ, chưa kể còn mất rất nhiều công sức từ sơ chế đến chế biến sang thành phẩm…
Cái được tiếp theo là tạo ra tiện ích và góp phần giúp những người nội trợ vốn không được khéo léo trong chuyện gia chánh bếp núc vẫn có thể làm nên một mâm cỗ thịnh soạn mà không sợ vấp lỗi. Chưa kể, nhờ thực đơn phong phú mà việc tạo mầu sắc cho mâm cỗ tết trở nên hấp dẫn hơn.
Cũng nhờ công nghệ chế biến thực phẩm ăn liền phát triển mà việc giao lưu văn hóa ẩm thực Việt với những món ngon mang tính truyền thống có cơ hội “kết giao” với bạn bè quốc tế, khi họ muốn thưởng thức hương vị Tết Việt ngay trong căn bếp của họ.
Nhưng có được thì cũng có mất, bởi Tết Việt trong sâu thẳm mỗi người là một “tín ngưỡng” tâm linh truyền thống mang đậm tình cảm ấm áp gia đình, tình cảm dân tộc thiêng liêng.
Như nghệ nhân ẩm thực Cung đình Huế Hồ Thị Hoàng Anh (t/p HCM) bày tỏ: “Những món ăn “công nghiệp hóa”, dù gì nó vẫn như một sản phẩm công nghệ nhân bản, y hệt nhau một khuôn, không mang hồn cốt, tâm tư, tình cảm của người chế biến , nên có thể có vị, có sắc nhưng vô hồn, và ở chừng mực nào đó thì cảm thấy chưa trọn vẹn cái tâm với Trời Đất, Tổ tiên, Ông bà”.
Đúng là không thể so sánh cảm xúc khi cầm trên tay tấm bánh chưng, bánh tét tự tay gói, nấu, rồi dâng cúng trên mâm cỗ tết gia đình với bánh mua ngoài siêu thị, chợ. Cũng như khi ta để hết tâm, tình nấu một món ăn dành dâng cúng tổ tiên sẽ khác hoàn toàn với việc mua nó khi chế biến sẵn.
Đó là cái “mất” về hồn… Còn cái mất khác, mà đôi khi trở thành “tật”. Thực phẩm chế biến sẵn, loại trừ những người làm hàng gian dối, đôi khi vì một lý do trục trặc trong một khâu nào đó, từ lựa chọn nguyên vật liệu, sơ chế, đến khâu hoàn thành sản phẩm, hoặc trong thành phần các món ăn chế biến sẵn đó có chất bảo quản để giữ thức ăn không hư hỏng, vô hình làm cho món ăn không bảo đảm, mà điều này thì không hiếm xảy ra…
Và cho dù ở thời Tết@ thì cái quan trọng nhất vẫn là việc lưu giữ hồn cốt, bản sắc riêng, không nên để nó cũng hòa tan, lai tạp với những vật phẩm ngoại lai khác. Có như thế hương vị mâm cỗ Tết Việt sẽ nhiều ý nghĩa hơn, kể cả mâm cỗ ba ngày tết là thực phẩm “công nghiệp hóa”.
- Hoài Hương