Khâm Thiên hôm nay là một con phố nhộn nhịp, sầm uất, đầy sức sống. Thật khó để hình dung được một trong những tội ác chiến tranh lớn nhất đã từng xảy ra ở đây. Có thể nhiều bạn trẻ như tôi, sinh ra và lớn lên trong hoà bình, phát triển sẽ khó tưởng tượng được ông bà, cha mẹ từng trải qua thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc.  

Hình ảnh máy bay bị bắn rơi. Ảnh: TTXVN

Chiến dịch ném bom Linebacker 2 của Mỹ vào cuối năm 1972 kéo dài 12 ngày là một trong những chiến dịch oanh tạc nặng nề nhất trong thế kỷ 20. Từ tối 18/12 đến 29/12 năm 1972, quân đội Mỹ đã huy động hơn 1,000 máy bay chiến đấu, trong đó có gần 200 “pháo đài bay” B-52 mà lúc đó vẫn được coi là những phi cơ ném bom bất khả chiến bại trên chiến trường. Trong 12 ngày đêm, hơn 20,000 tấn bom đạn ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số địa điểm khác. Không chỉ ném bom các mục tiêu quân sự, không quân Mỹ  còn phá huỷ các cơ sở dân sự như nhà máy, xí nghiệp, nhiều trường học, bệnh viện, và cả các phố xá đông đúc nơi người dân đang sinh sống. Khó có thể tưởng tượng những nơi như phố Khâm Thiên hay Bệnh viện Bạch Mai có thể giúp Mỹ đạt được mục tiêu nào đó có tính chiến lược.

Hơn 2,400 dân thường bị giết trong 12 ngày đêm đẫm máu ấy, trong đó có 287 người tại phố Khâm Thiên. Những chiến công của quân dân miền Bắc trong 12 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, khiến không chỉ các sĩ quan chỉ huy, các chính trị gia Mỹ hoang mang, mà còn làm cho các phi công của Mỹ nao núng “như đi trên những mũi tên lửa” mà sau này họ thú nhận. Mỹ từng ném bom huỷ hoại các thành phố hoàn toàn để khuất phục kẻ thù như Tokyo đầu năm 1945 hay hai cuộc ném bom hạt nhân Hiroshima và Nagasaki sau đấy, và không ai biết, họ có thể làm gì tiếp nếu không đụng phải sự kháng cự mạnh mẽ và hiệu quả của quân và dân ta.

Phố Khâm Thiên ngày cuối năm 2022. Ảnh: Anh Nguyễn

Chiến dịch này đã không mang lại lợi thế nào cho Mỹ khi Hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1/1973. Tháng 10/1972, Henry Kissinger, Cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Nixon đã tuyên bố với người Mỹ rằng “peace is at hand” – hoà bình đang trong tầm tay, với ngụ ý là Mỹ và Việt Nam có thể sắp ký kết một hiệp định để kết thúc cuộc chiến. Việc Mỹ triển khai một chiến dịch ném bom tàn bạo sau khi hai bên dường như đã chuẩn bị đạt được thoả thuận là một hành động dã man và phi lý. Chúng ta cần phải nhớ đến những hành động vô nhân đạo không thể biện minh được này.  

Những dấu tích của 12 ngày đêm khốc liệt đã gần như biến mất sau 50 năm, ngoài những nhịp bị trúng bom của cầu Long Biên, hay những hố bom ở Đông Anh vẫn có thể thấy được từ Google Map, sự tàn phá của bom Mỹ dường như không còn dấu tích nào. Một Hà Nội nhộn nhịp đã được xây dựng trên những ngôi nhà, con phố bị vùi lấp vào năm xưa, Đài tưởng niệm tại 47 Khâm Thiên  là một trong những dấu tích rõ ràng nhất của chiến dịch ném bom Giáng Sinh còn lại đến ngày nay.

Bức tượng đồng một người mẹ ôm đứa con mình được bao quanh bởi một hàng cây xanh gợi lại ký ức đau thương 50 năm trước, khi mà ngôi nhà ở chính nơi này bị phá huỷ bởi bom Mỹ và vùi lấp hai mẹ con, khi những người cứu hộ tìm thấy, người mẹ vẫn còn giữ ôm chặt, che chở cho đứa con chưa đầy tuổi. Cạnh đó là một căn phòng nhỏ với những bức ảnh  phố Khâm Thiên sau trận bom, cùng với chân dung của những con người trên phố đã bị giết trên con phố này 50 năm trước. Nếu ký ức đau thương này không được tiếp tục truyền cho các con cháu thế hệ sau, liệu chúng ta có thể thực sự bước tiếp từ quá khứ không? 

John F. Kennedy, Tổng thống Hoa Kỳ từng nói – “tha thứ, nhưng đừng bao giờ quên tên kẻ thù”. Nhiều người, đặc biệt là thế hệ của tôi, không còn nghĩ đến Mỹ như kẻ thù nữa – thay vì đó là những người bạn bên kia đại dương. Nhiều người bạn của tôi đang sinh sống tại Mỹ, chuyển đến những nơi như là New York và Boston học đại học, hay theo đuổi các công việc ước mơ tại California và Washington. Những người Mỹ và đất nước Mỹ đã trở thành các đối tác, bạn bè của Việt Nam. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta nên hoàn toàn quên về những gì đất nước đã phải trải qua, không chỉ ký ức đau thương vào Giáng Sinh năm 1972 mà là những hy sinh, mất mát trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Các nhà lãnh đạo Mỹ trong những năm chiến tranh, từ Johnson cho tới Nixon, từ McNamara tới Kissinger, đã từng có những quyết định nhằm tàn phá Việt Nam. Giống cách những người Do Thái vẫn tiếp tục nhớ về ký ức thời Đức quốc xã, chúng ta cần phải luôn ghi nhớ thời khắc cách đây 50 năm không chỉ để tôn trọng ông bà, cha mẹ, những người đồng Việt nam đã phải trải những tháng năm đau khổ. Chính nhờ họ mà đất nước đã có thể bước ra khỏi quá khứ để đi tới một Việt Nam hoà bình, phồn vinh.

50 năm sau những gì xảy ra ở Khâm Thiên, ở Bạch Mai, ở Hải Phòng,…nhiều cuộc chiến tranh khác đã xảy ra trên khắp thế giới, từ Afghanistan đến Iraq, từ Kosovo đến Syria, và có thêm nhiều tội ác chiến tranh khác đã bị bỏ qua và dường như, có thể rơi vào quên lãng. Nhưng chúng ta phải ghi nhớ, và có lẽ sẽ có ngày nào đó, cộng đồng quốc tế sẽ đòi hỏi những nhà chính trị đứng sau những quyết định tội ác ấy sẽ phải được gọi tên.

 Nixon từng tuyên bố sẽ tìm kiếm “hoà bình trong danh dự”, nhưng với những gì xảy ra ở Hà nội, ở Khâm Thiên, ở Bạch Mai trong 12 ngày đêm năm 1972, danh dự mà chính quyền của ông ta tìm kiếm đã trở thành một thứ bị chính những cuộc ném bom man rợ làm vấy bẩn.

Phạm Vũ Thiều Quang