Trương Thiên Nhất (1990) xuất thân trong gia đình trí thức ở Thường Đức (Hồ Nam, Trung Quốc). Bố anh là bác sĩ, mẹ là luật sư dưới sự giáo dục cởi mở của gia đình tuổi thơ anh đầy màu sắc. 

Năm 2008, tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học Thiên Nhất đỗ vào Trường Luật thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Từ năm nhất đại học, anh đã đi làm thêm nhiều công việc từ trợ lý, thư ký đến phụ hồ, lễ tân. Cuối tuần, anh đến chợ đầu mối mua tai nghe với giá 5 NDT (17.000 đồng), sau đó đi bán với giá cao hơn. 

Năm 2 đại học, Thiên Nhất dùng 30.000 NDT (102 triệu đồng) tiền tiết kiệm để mở cửa hàng bánh bao. Công việc kinh doanh thuận lợi, nên anh tiếp tục mở cửa hàng thứ 2. Mặc dù tập trung kinh doanh, nhưng thành tích học tập của anh vẫn đạt mức xuất sắc. Điểm tốt nghiệp đại học đứng thứ 3 toàn khoá, nên Thiên Nhất dễ dàng thi đỗ vào khoa Luật của Đại học Bắc Kinh chương trình thạc sĩ.

Trong quá trình học, điểm của Thiên Nhất luôn nằm top đầu. Ngoài chăm chỉ học, anh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá. Thiên Nhất từng đạt giải Nhất Cuộc thi hùng biện của Đại học Bắc Kinh.

Năm 2014, tốt nghiệp thạc sĩ anh gia nhập công ty luật nổi tiếng với mức lương tương đối cao. Tuy nhiên, sau một thời gian, Thiên Nhất nhận thấy nghề luật đang dần bão hòa. Thay vì làm văn phòng ổn định, anh quyết định khởi nghiệp ở tuổi ngoài 20.

5ca1d7c55666a7bc980507be88f41be5.jpeg
Câu chuyện thạc sĩ luật bỏ việc lương cao để kinh doanh mì bò của Trương Thiên Nhất từng nhận được sự quan tâm của dư luận. Ảnh: Baidu

Tháng 5/2014, Thiên Nhất cùng 3 người bạn chung tay mở nhà hàng Phục Ngưu chuyên bán mì bò. Khởi nghiệp quán mì bò đầu tiên, Thiên Nhất góp 70.000 NDT (hơn 240 triệu đồng), 3 người bạn của anh góp 35.000 NDT (hơn 120 triệu đồng).

Tuy nhiên, số tiền này vẫn không đủ để mở cửa hàng tại Bắc Kinh. Khi anh nản chí có ý định từ bỏ, may mắn lại đến. Một cửa hàng trong khu ẩm thực ở tầng hầm của trung tâm thương mại trả mặt bằng, anh nhanh chóng thuê lại.

Ban đầu cửa hàng chỉ có 3 nhân viên, anh vừa là đầu bếp vừa là bồi bàn kiêm thu ngân. Nhớ lại thời gian đầu khởi nghiệp, vì thiếu nhân sự sáng sớm anh dậy đi mua nguyên liệu, sau đó bận rộn đến tận đêm. Chỉ sau 1 tuần mở quán, doanh thu đạt  20.000 NDT (hơn 68 triệu đồng).

Vì yêu thích văn học và viết lách, thời gian rảnh anh thường viết bài đăng trên tạp chí và báo lớn. Tình cờ, Thiên Nhất viết một bài: "Tại sao sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tôi lại đi bán mì?". Ngay sau đó, bài viết thu hút sự chú ý, nên nhiều khách hàng và phóng viên đến tìm hiểu.

Tình hình doanh thu của quán trở về số 0 kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Lúc này, Thiên Nhất vô cùng lo lắng, sau khi bình tĩnh anh nghĩ đến việc bán hàng trực tuyến. Ngay khi nảy ra ý tưởng kinh doanh online, anh lập tức triển khai livestream 16 tiếng/ngày. Ngày kỷ lục nhất, anh bán được hơn 100.000 suất mì bò. 

Sau 10 năm, đến nay nhà hàng Phục Ngưu bán mì bò của Thiên Nhất đã hơn 15 cửa hàng ở Bắc Kinh. Giá trị thị trường chuỗi nhà hàng mì bò của anh được định giá khoảng 1,5 tỷ NDT.

Việc Thiên Nhất từ bỏ công việc ổn định để khởi nghiệp từng gây nhiều tranh cãi. Năm 2014, trong chương trình Thanh niên Trung Quốc nói, câu chuyện bán mì của chàng thạc sĩ ngành Luật của Đại học Bắc Kinh trở thành chủ đề nóng. 

Thời điểm đó, nữ hoàng đồ gia dụng, bà Đổng Minh Châu cho rằng, Thiên Nhất đang lãng phí tài nguyên giáo dục của quốc gia: "Em nên đóng cửa hàng lại. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra?". Trước sự phản ứng gay gắt của bà Châu, Thiên Nhất chỉ đáp: "Bắc Kinh không thiếu luật sư giỏi, nhưng thiếu những bát mì ngon".

Giờ đây, sau 10 năm, thành công của Thiên Nhất là câu trả lời cho sự lựa chọn đúng đắn này. Định nghĩa thành công của mỗi người là khác nhau, tuy nhiên giới trẻ ngày nay cần có nhiều lựa chọn hơn. Sau trải nghiệm của bản thân, Thiên Nhất cho rằng, nên khuyến khích thanh niên làm theo tiếng nói bên trong của họ, thay vì mù quáng chạy theo con đường thành công truyền thống.

Kinh nghiệm của Thiên Nhất cho thấy, mặc dù sự lựa chọn của anh từng bị coi là không bình thường. Tuy nhiên, sau 10 năm, thành công của anh là đáp án của sự kiên trì và lòng can đảm. Việc anh lựa chọn kinh doanh mì bò, không chỉ là cơ hội khởi nghiệp, đó còn là cách lưu giữ văn hóa ẩm thực của quê hương. Anh không bị ràng buộc bởi các yếu tố truyền thống, dám đi theo con đường bản thân lựa chọn.