Ngày 21/11/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức thành công hội thảo quốc tế “Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn cho mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu". Hội thảo có sự tham gia của hơn 70 đại biểu tham gia trực tiếp và 100 đại biểu tham gia trực tuyến, gồm các chuyên gia toàn cầu, cán bộ chính phủ và các bên liên quan ở địa phương, để tìm hiểu các vai trò đa chiều của rừng ngập mặn đối với phúc lợi môi trường và cộng đồng.

Tại Hội thảo, bà Trần Thi Thu Hà, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã có bài tham luận về vấn đề: Chi trả dịch vụ môi trường rừng với rừng ngập mặn tại Việt Nam: Hiện trạng, thách thức, cơ hội.

Đánh giá về tình hình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường đối với rừng ngập mặn, bà Trần Thi Thu Hà cho biết: Tại tỉnh Sóc Trăng, năm 2012, Hợp tác xã nghêu Vĩnh Hải đã chi trả cho những người tham gia bảo vệ rừng ngập mặn với mức chi trả được thiết lập thông qua quá trình đàm phán giữa các bên và được ghi vào điều lệ của hợp tác xã.

17 chi tra dich vu moi truong rung ngap man.jpg
Vấn đề chi trả dịch vụ môi trường rừng với rừng ngập mặn tại Việt Nam còn nhiều thách thức.

Nam Định, từ năm 2015 – 2020, cộng đồng nuôi ngao quảng canh chi trả 1.000.000 đồng/ha ao nuôi/năm vào Quỹ Bảo tồn và phát triển tài nguyên môi trường rừng của VQG Xuân Thuỷ; một phần của Quỹ được sử dụng cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Tại tỉnh Cà Mau, từ năm 2012 đến nay, các công ty xuất nhập khẩu tôm sinh thái (tôm có chứng chỉ) chi trả cho chủ rừng kiêm hộ nuôi tôm 500.000 đồng/ha rừng ngập mặn và tăng 3.000 – 5.000 đồng/1 kg tôm thương phẩm…

Về tình hình thể chế hoá: UBND tỉnh Nam Định đã ban hành quyết định số 34/2005/QĐ-UBND ngày 23/10/2015 về Phê duyệt quy định tạm thời phương án chia sẻ lợi ích thực hiện Đề án thí điểm đồng quản lý nuôi ngao quảng canh tại phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu thuộc Vườn Quốc gia Xuân Thủy. UBND tỉnh Cà Mau cũng  đã ban hành QĐ số 111/QĐ-UBND ngày 22/1/2016 Ban hành Quy định thí điểm về nuôi tôm – rừng có chứng nhận quốc tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau…

Mặc dù hiện trạng cũng như tình hình thể chế hóa có những mô hình nêu trên nhưng  theo đại diện Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, vấn đề chi trả dịch vụ môi trường rừng với rừng ngập mặn tại Việt Nam cũng còn nhiều thách thức.

Thách thức trong dịch vụ duy trì cảnh quan cho kinh doanh du lịch sinh  thái có thể thấy: Tại những nơi có hoạt động kinh doanh du lịch sinh  thái dựa vào rừng ngập mặn phát triển như Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ… thì chủ rừng trực tiếp kinh doanh du lịch sinh thái. Tại nhưng nơi khác, kinh doanh du lịch sinh  thái nhỏ lẻ, tự phát, doanh thu không đáng kể hoặc không có cơ sở xác định doanh thu.

Về dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống cho nuôi trồng thủy sản: Trong mô hình nuôi trồng thủy sản dựa vào rừng ngập mặn thông thường: Đa số chủ rừng trực tiếp nuôi trồng thủy sản trong diện tích rừng được giao quản lý, sử dụng; số lượng người hưởng lợi lớn trong khi hoạt động nuôi trồng thủy sản được thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ, doanh thu thấp, nhiều rủi ro. Trong mô hình nuôi tôm sinh thái/tôm có chứng chỉ: Quy định chi trả trực tiếp không có lợi cho chủ rừng kiêm người nuôi tôm (do không thể tham gia đàm phán về mức chi trả và hình thức chi trả), chi phí giao dịch cao (do số lượng chủ rừng lớn).

Với dịch vụ hấp thụ các-bon: Chưa có khung pháp lý cho việc thiết lập thị trường các-bon trong lĩnh vực lâm nghiệp nói chung và cho rừng ngập mặn nói riêng tại Việt Nam (chưa rõ ràng về quyền các-bon, về cơ chế chia sẻ lợi ích…); Thông tin, dữ liệu về rừng ngập mặn và trữ lượng các-bon của các loại rừng ngập mặn chưa đồng bộ, thống nhất; Yêu cầu kỹ thuật trong đo lường, kiểm định phức tạp…

Mặc dù còn nhiều khó khăn như vậy nhưng cơ hội trong vấn đề này cũng không phải ít. Theo bà Trần Thi Thu Hà, là việc kế thừa được nhiều bài học kinh nghiệm từ chi trả dịch vụ môi trường đối với các hệ sinh thái rừng trên cạn (ví dụ thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ các-bon như thoả thuận chi trả phát thải vùng Bắc Trung Bộ); Nhận được sự quan tâm từ nhiều bên liên quan trong vấn đề nghiên cứu, thí điểm và triển khai chi trả dịch vụ môi trường với rừng ngập mặn. Bên cạnh đó dự thảo sửa đổi Nghị định 156 bổ sung quy định về đối tượng chi trả, mức chi trả và hình thức chi trả gián tiếp đối với dịch vụ cảnh quan, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản; Tiếp cận mới trong chi trả dịch vụ hệ sinh thái theo Nghị định số 02/2022: Xem xét rừng ngập mặn như một thành phần của các hệ sinh thái rộng lớn hơn bao gồm cả hệ sinh thái biển/ven biển, hệ sinh thái đất ngập nước…

Huệ Anh