Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn với nhiều ưu thế. Mặt khác, trong quá trình thực hiện định hướng, lộ trình phát triển, tỉnh Thanh Hóa luôn dành cho nông nghiệp sự quan tâm đặc biệt.

Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và ban hành chính sách, cơ chế riêng để khuyến khích, hỗ trợ người dân sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

W-thanhoa.png
NTM Thanh Hoá khang trang, sạch đẹp (ảnh minh hoạ)

Quyết định 271/2011/QĐ-UBND; cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 151/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015; Quyết định số 5643/QĐ-UBND tỉnh về hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020... Hiện đã có 575 trang trại chăn nuôi được đầu tư xây dựng, hình thành tư duy phát triển cho người dân và mở ra hướng phát triển chăn nuôi hiệu quả hơn; 34 khu trang trại tập trung quy mô lớn được đầu tư. Từ đó, đã tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các khu trang trại tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm an toàn gắn với chuỗi giá trị, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất đã góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp như: Nghị quyết số 192/2019/NQ-HĐND ngày 16/10/2019 về chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025; Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025...

Ngay từ khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã được định hướng rõ về xây dựng các tiêu chí của NTM hiện đại.

Đến nay, chính sách hỗ trợ phát triển vùng rau an toàn tập trung đã hỗ trợ cho 45 tổ chức, cá nhân sản xuất 247,5 ha rau an toàn tập trung; xây dựng 582.349m2 nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn; hỗ trợ làm đường lâm nghiệp cho 4.400 ha vùng trồng rừng sản xuất tập trung; hỗ trợ hạ tầng cho 6 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung; thực hiện hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền, thiết kế bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP...

Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được khoảng 5.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh trên cây trồng rau các loại, mía, cây ăn quả và nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh.

Toàn tỉnh có khoảng 3.600 ha cây trồng đã được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm. Trong đó, tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarel chiếm gần 64% diện tích. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả đã thực hiện dán tem QR-Code để người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh kết nối internet tra cứu các thông tin về sản phẩm. Cùng với đó, toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 61 trang trại áp dụng công nghệ cao, thông minh và đồng bộ trong chăn nuôi, như: hệ thống chuồng trại khép kín, sử dụng hệ thống dàn mát, máy ép tách phân trong xử lý môi trường và sử dụng hệ thống máng ăn tự động, phần mềm quản lý dịch bệnh... 

Kết hợp giữa tiềm năng sẵn có và chiến lược phát triển đúng đắn, Thanh Hóa có thể trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong việc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại tại Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.