Với đường bờ biển biển dài 42km, trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá đã tập trung đánh thức tiềm năng thế mạnh trong phát triển kinh tế biển để làm giàu từ biển.
Để phát triển kinh tế biển, UBND thị xã Nghi Sơn đã tập trung chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các xã, phường ven biển tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn ngư dân, chủ tàu cá thực hiện các quy định của Luật Thủy sản, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, thủ tục giấy tờ khi đi khai thác...
Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cũng tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động ngư dân vươn khơi bám biển và phát triển chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá...
Cùng với đó, UBND thị xã cũng đã tập trung chỉ đạo phát triển nghề truyền thống xây dựng thương hiệu nước mắm Do Xuyên - Ba Làng; đăng ký sản phẩm OCOP gồm nước mắm cốt cá cơm, mắm tôm, mắm tép Vị Thanh (phường Hải Bình), nước mắm thượng hạng, mắm tôm đặc biệt, mắm tép đặc biệt Tác Huy (phường Hải Thanh), nước mắm cốt cá cơm, mắm tôm Tĩnh Gia - hảo hạng, mắm tép Tĩnh Gia - đặc biệt (phường Ninh Hải). Nghề chế biến đã giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động.
Với lợi thế là địa phương có chiều dài bờ biển, những năm gần đây, thị xã Nghi Sơn huy động các nguồn lực để phát triển du lịch biển, cơ sở hạ tầng được đầu tư. Nhiều khu nghỉ dưỡng du lịch được các doanh nghiệp đầu tư tạo điểm nhấn thu hút du khách, như bãi biển Khu Du lịch Hải Hòa, Khu Du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn. Các khu, điểm du lịch mới trên địa bàn cũng được triển khai xây dựng như Khu Du lịch sinh thái biển Tân Dân...
Còn ở phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, việc phát triển kinh tế biển được chính quyền nơi đây xác định là ngành mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó, Đảng ủy và UBND phường luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, tổ chức lại sản xuất và năng lực khai thác xa bờ. Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu phương tiện tăng cường phát triển tàu thuyền đánh bắt xa bờ với công suất lớn có trang thiết bị hiện đại cho phù hợp với nguồn lợi thủy sản và ngư trường khai thác. Tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vay vốn từ ngân hàng để đầu tư mua sắm phương tiện hiện đại, khuyến khích ngư dân sử dụng các ngư lưới cụ phù hợp để khai thác đánh bắt hải sản đạt hiệu quả cao hơn.
UBND phường đã tổ chức nhiều hội nghị thảo luận, tuyên truyền, vận động nhân dân rà soát lại tàu cá, lực lượng lao động nghề cá, cải cách mô hình quản lý.
Đến nay, toàn phường có 162 phương tiện đánh bắt hải sản các loại với gần 1.000 lao động trực tiếp và gián tiếp theo nghề biển. Song song với hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng từng bước được chú trọng. Toàn phường có 6 nhà máy cấp đông với sức chứa 3.000 tấn, 1 công ty chế biến bột cá; hàng chục cơ sở thu mua hấp sấy cá, chế biến nước mắm...