Mời quý độc giả theo dõi video:

Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” là hướng đi của tỉnh Thanh Hóa.

Nhằm phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế cao, ngày 11/1/2019, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13 - NQ/TU về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Coi đây là nhiệm vụ, giải pháp đột phá, tạo động lực quan trọng hàng đầu để chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các hộ dân tích cực ứng dụng công nghệ thông minh vào trong sản xuất, đạt được kết quả cao. Qua đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 3.600 ha cây trồng đã được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm. Trong đó, tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarel chiếm gần 64% diện tích. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả đã thực hiện dán tem QR-Code để người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh kết nối internet tra cứu các thông tin về sản phẩm.

Ghi nhận tại huyện Nga Sơn- một trong những địa phương tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, từ năm 2017 đến nay nhân dân các xã trên địa bàn huyện đã xây dựng được 28,7ha nhà kính nhà lưới sản xuất rau củ quả an toàn. Tập trung chủ yếu ở các xã: Nga Thành, Nga Yên, Nga Hải, Nga Phượng, Nga Giáp, Nga Thắng, Nga Thạch.

Sau khi được chính quyền khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gia đình chị Lê Tươi mạnh dạn vay vốn đầu tư gần 4.000m2 nhà màng nhà lưới và lắp đặt các hệ thống tưới tự động để sản xuất dưa vàng. Với lợi nhuận thu được, kinh tế gia đình chị ngày càng khấm khá.

Ngoài tập trung đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, tại các xã giáp biển, với lợi thế phát triển về nghề nuôi tôm. Những năm qua các hộ dân đã chủ động đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ VietGAP cho năng suất cao.

Hiện nay, Thanh Hóa có khoảng 4.100ha diện tích nuôi tôm, trong đó, tôm sú diện tích nuôi 3.450 ha, sản lượng 700 tấn. Tôm thẻ chân trắng thâm canh diện tích nuôi 585 ha, sản lượng hơn 11.300 tấn, tập trung ở các địa phương như: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn…các hộ nuôi đang chuyển dần sang nuôi tôm thẻ chân trắng với quy trình kỹ thuật hiện đại, đáp ứng các quy chuẩn trong nuôi tôm an toàn thực phẩm.

Nhằm hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học hiện đại vào trong sản xuất, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 20/2021-NQ-HĐND, Ban hành Chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025.

Kết hợp giữa tiềm năng sẵn có và chiến lược phát triển đúng đắn, Thanh Hóa có thể trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong việc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại tại Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.