Từ thanh niên đánh giày trở thành thợ sửa đồng hồ tiền tỷ, Trường Omega còn truyền nghề cho hàng trăm thanh niên có việc làm ổn định.
Dân chơi đồng hồ không còn lạ cái tên Trường Omega, chuyên sửa chữa đồng hồ tiền tỷ ở Hà Nội, nhưng ít ai biết đến người đàn ông quê Thái Bình này từng mưu sinh bằng những công việc như đánh giày, quét dọn cửa hàng.
Đặng Văn Trường (SN 1983), ông chủ chuỗi cửa hàng “Bệnh viện đồng hồ” kể: Sau khi tốt nghiệp lớp 12, năm 2000, anh rời quê lên Hà Nội mưu sinh, làm đủ nghề từ đánh giày, cửu vạn, đến tạp vụ cho một khách sạn ở phố Trần Hưng Đạo.
Cấp trên của Trường ở khách sạn có cửa hiệu đồng hồ trên phố Hàng Khay. Trường đã đến đây dọn dẹp và có những bước đi đầu tiên vào thế giới đồng hồ khi học nghề từ anh Thanh, một người thầy trong trường đào tạo nghề ở phố Hàng Bông.
Sau 9 năm “ăn - ngủ” cùng đồng hồ, năm 2010 anh Trường tham gia cuộc thi tay nghề toàn khu vực Đông Nam Á, đạt kết quả cao nhất với 74/100 điểm. Anh được đi tham quan, đào tạo sửa chữa đồng hồ của hãng Omega năm 2011 tại Thuỵ Sĩ.
Cũng từ đây, mọi người yêu quý đặt cho anh biệt danh "Trường Omega".
Năm 2014, anh Trường mở Bệnh viện đồng hồ và lớp đào tạo nghề sửa chữa đồng hồ. "Sau 10 năm lập Bệnh viện đồng hồ và đào tạo nghề, đến nay tôi đã có 170 học trò ở khắp các tỉnh thành. Thỉnh thoảng học trò ở tỉnh gặp 'ca bệnh khó', tôi đều hỗ trợ xử lý", anh nói.
Anh cho biết đang ấp ủ dự định biên soạn một cuốn sách về sửa chữa đồng hồ và mong muốn nghề sửa chữa đồng hồ trở thành một môn học trong môi trường hướng nghiệp cho các bạn trẻ.
“Tôi đã làm rất nhiều nghề để mưu sinh, nhưng yêu thích nhất nghề này. Tôi có thể ngồi đến 22h để sửa một chiếc đồng hồ, mà không thấy mệt mỏi. Có nhiều chiếc đồng hồ làm tôi thích thú đến mức làm việc từ sáng đến 16-17h, không cần ăn trưa”, anh tâm sự.
Chiếc đồng hồ Girad Perregaux Tourbillon 3 cầu vàng thuộc dạng hiếm trên thế giới, ở Việt Nam có ít người sở hữu. Qua tay anh Trường, chiếc đồng hồ được bảo dưỡng, lau dầu chạy ổn định.
Chiếc đồng hồ Jaeger Lecoultre Tourbillon automatic có giá trị hơn 2 tỷ đồng được khách mang đến bảo dưỡng.
Từ năm 2014, anh Trường đã mở lớp đào tạo nghề sửa chữa đồng hồ. “Biết là theo nghề không dễ, nhưng tôi vẫn muốn nhiều bạn trẻ xem việc trở thành 'bác sĩ thời gian' như là một lựa chọn tốt để lập nghiệp. Có như thế, nghề sửa đồng hồ của Việt Nam mới có thể phát triển", anh Trường chia sẻ.