Tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – Châu Á 2023, Tiến sĩ Yudhistira Nugraha, Giám đốc về Thành phố Thông minh thành phố Jakarta, Indonesia đã nêu một số kinh nghiệm khi triển khai thành phố thông minh tại thủ đô Indonesia.
Thành phố thông minh Jakarta là khái niệm được chính quyền Jakarta khởi xướng từ năm 2014 với mục tiêu biến Jakarta thành thành phố thông minh 4.0 thông qua tối ưu hóa công nghệ và dịch vụ công cho công dân thành phố.
Tiến sĩ Nugraha khẳng định: “Khi nhắc đến thành phố thông minh, chúng ta không chỉ nói về công nghệ, thành phố thông minh, con người thông minh mà còn là cách làm sao để người dân hạnh phúc hơn, cải thiện cuộc sống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bền vững”.
Theo ông Nugraha, điều kiện tiên quyết là phải hiểu được nhu cầu của người dân. Điều này đồng nghĩa làm thế nào để chính phủ hành động như một con người để giải quyết vấn đề và làm thế nào để các sáng kiến hiện tại phù hợp với nhu cầu hàng ngày của người dân.
Khoa học và công nghệ đang thay đổi các thành phố một cách thông minh hơn. Theo đó, nhờ các cảm biến môi trường, camera giám sát, dữ liệu mạng xã hội, thành phố có thể theo dõi và thu thập dữ liệu theo thời gian thực. Thành phố sử dụng công nghệ để “cảm nhận” và hiểu được tình trạng của hạ tầng đô thị cũng như nhu cầu, vấn đề của công dân ngay khi nó đang diễn ra. Từ những dữ liệu thu thập được, họ có cái nhìn sâu sắc hơn về đô thị và hành vi của người dân, thông qua các kỹ thuật phân tích dữ liệu như Big Data, máy học, trí tuệ nhân tạo để diễn giải, phác thảo chiến lược và chính sách hiệu quả hơn. Cuối cùng, thành phố sử dụng phân tích này để đưa ra quyết định thông minh hơn và phản ứng với các vấn đề đô thị nhanh chóng, hiệu quả.
Ông giới thiệu khái niệm “Citizen Relation Management” (CRM - quản trị quan hệ công dân) để xử lý tất cả vấn đề. Từ khi triển khai hệ thống vào tháng 4/2021, chính quyền Jakarta đã giải quyết 269.213 trên tổng số 274.093 báo cáo của người dân với thời gian điều phối trung bình 3,7 giờ và thời gian xử lý trung bình 7 ngày. CRM giúp tăng cường đường dây liên kết và xây dựng lòng tin giữa công dân với chính quyền.
Có ba giai đoạn trong CRM: Cảm nhận, thấu hiểu và hành động. Cụ thể, với giai đoạn cảm nhận, người dân có thể chụp ảnh sự cố rồi báo cáo qua một trong 13 kênh chính thức. 13 kênh này bao gồm tài khoản Facebook, Twitter chính thức của thành phố, nhắn tin SMS, WhatsApp, siêu ứng dụng JAKI (Jakarta Kini), email… Ứng dụng JAKI của thành phố sẽ xác định vị trí trong bức ảnh nhờ công nghệ dán nhãn địa lý được tích hợp sẵn. Ở giai đoạn thấu hiểu, cư dân chọn ra danh mục sự cố để hỗ trợ cán bộ thành phố. Chính quyền sẽ phân tích danh sách vấn đề rồi phái người đi xử lý. Với giai đoạn hành động, việc giải quyết vấn đề sẽ được công dân và chính phủ giám sát.
Các kênh này mang đến sự thay đổi trong quy trình xử lý vấn đề của chính quyền Jakarta. Trước đây, việc báo cáo thực hiện qua các phương thức vật lý truyền thống, hệ thống kiểm soát dựa trên giấy tờ, thời gian xử lý lâu, các dịch vụ không có tính kết nối và dễ bị lộ thông tin riêng tư. Với giải pháp mới, báo cáo thực hiện ngay trên di động, hệ thống kiểm soát trên môi trường trực tuyến, quy trình xử lý tức thời, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu và cổng dịch vụ công một cửa giúp bảo mật về dữ liệu.
Jakarta đã thực hiện nhiều hành động chiến lược trong phát triển và quản trị hệ sinh thái thành phố thông minh và chuyển đổi số nhằm cải thiện mức độ gắn bó của người dân và phát triển bền vững. Lấy ví dụ về siêu ứng dụng JAKI, nhiều dịch vụ công được tích hợp trên nền tảng này liên quan đến các lĩnh vực xã hội số, kinh tế số, chính phủ số, giáo dục, y tế.
Một trong số các sáng kiến nhằm giải quyết những vấn đề đô thị là hệ thống quản lý ngập lụt. Hệ thống dựa trên mô hình máy học, trong đó họ đặt cảm biến ở nhiều điểm khác nhau để tạo ra dữ liệu rồi nhân viên dùng nó làm cơ sở để can thiệp và quản lý. Ngoài ra, còn có các sáng kiến như phát triển Future City Hub, Smart City Living Lab để xóa mù kỹ thuật số.
Tiến sĩ Nugraha nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo có tiềm năng cải thiện dịch vụ công trong các thành phố thông minh. Chẳng hạn, có thể phát triển chatbot cho dịch vụ công; xác thực công dân thông qua nhận diện gương mặt, giọng nói và các hình thức sinh trắc học khác; dùng phân tích dữ liệu lớn và cảm biến để thấu hiểu hành vi của mọi người; dùng AI để quản trị ngân sách chính phủ, quản lý giao thông thông minh, quản trị rủi ro thiên tai…
Nhìn chung, khi chuyển đổi từ hệ sinh thái này sang hệ sinh thái khác tốt hơn, hiệu quả hơn, cần phải lấy người dân làm trung tâm và phát triển những giải pháp để phục vụ người dân.