Nhiều đối tượng sử dụng thủ đoạn mạo danh cơ quan công an, dọa nạn nhân đang dính đến vụ án ma túy và yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản cho chúng.
Lời tòa soạn:
Trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tăng mạnh, hơn 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có những cảnh báo liên tục, khuyến cáo không ngừng, nhiều người dân mất cảnh giác vẫn bị sập bẫy các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, đa dạng trên không gian mạng.
VietNamNet mở tuyến bài "Cảnh báo lừa đảo trực tuyến" nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm các thông tin và trang bị kỹ năng, kiến thức để không trở thành nạn nhân của loại hình tội phạm mới này.
Gần 10h trưa một ngày đầu năm 2023, bà P.T.H, thôn Cẩm Thủy, xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội nhận được cuộc gọi của đối tượng lạ nói bà đang dính líu đến vụ án buôn ma túy xuyên quốc gia, đồng thời yêu cầu bà không được tiết lộ cho ai về thông tin này. Sau đó, đối tượng này yêu cầu bà H ra ngân hàng làm thủ tục nộp tiền để được bảo lãnh. Quá lo sợ và hoảng hốt, bà H nhờ chồng chở ra ngân hàng để chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.
Ông N.Q.M, chồng bà H kể lại: “Sau khi nhận được cuộc gọi của các đối tượng lừa đảo, vợ tôi cứ như người mất hồn và kêu tôi chở ra ngân hàng để chuyển tiền. Vợ tôi ngồi sau xe máy cứ như người bị thôi miên, làm theo mọi hướng dẫn của đối tượng lừa đảo. Khi đến ngân hàng, vợ tôi bảo tôi đứng ở ngoài để mình bà ấy vào. Khi thấy vợ tôi có biểu hiện lạ, nhân viên ngân hàng gặng hỏi và báo cho lãnh đạo ngân hàng Agribank chi nhánh Ba Vì gặp trực tiếp khách hàng”.
Vợ chồng bà H sau đó được phía ngân hàng giải thích rằng bà có thể đang nhân cuộc gọi từ các đối tượng lừa đảo, cần báo cho cơ quan công an về vụ việc.
“Tôi cũng đã nghe trên báo đài về thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này, nhưng không hiểu sao lúc đó bọn chúng nói thế nào thì tôi làm theo thế đó. Nếu không có sự cảnh giác của nhân viên ngân hàng và sự hỗ trợ của cơ quan công an thì gia đình chúng tôi đã mất 1,1 tỷ đồng – số tiền mà chúng tôi cả đời tích cóp từ tiền nuôi bò, nuôi lợn”, bà H nói.
Tương tự như trường hợp của bà H, chiều ngày 21/6/2023, bà P.T.N, thôn Yên Kỳ, xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng công an, thông báo bà đã vi phạm pháp luật. Để không bị niêm phong tài sản và bị tam giam, bà phải mở tài khoản chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra.
Trước những lời đe dọa của đối tượng lừa đảo, bà N đã làm theo hướng dẫn và đến Ngân hàng Agribank chi nhánh Ba Vì để rút hết số tiền tiết kiệm 260 triệu đồng, mặc dù chưa đến kỳ hạn rút. Thấy biểu hiện lạ, nhân viên ngân hàng đã giải thích, khuyên nhủ và ngăn chặn thành công việc chuyển tiền của khách hàng, đồng thời thông báo cho cơ quan công an xử lý vụ việc này.
Ông Lê Văn Long, Giám đốc Agribank chi nhánh Ba Vì cho biết, trước những thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu trên không gian mạng, ngân hàng cũng đã nâng cao cảnh giác để đảm bảo tài sản cho khách hàng. "Khi phát hiện khách hàng có những biểu hiện lạ, chúng tôi đã hỏi thăm, động viên, đồng thời báo cho công an huyện Ba Vì để kịp thời xử lý", ông Long nói.
Tội phạm trên không gian mạng ngày càng gia tăng
Nói về tội phạm trên không gian mạng, Đại tá Kiều Quang Phương, Trưởng Công an huyện Ba Vì cho rằng, hành vi của các đối tượng lừa đảo cực kỳ tinh vi. Chúng đặt máy chủ ở nước ngoài và có sự cấu kết với người nước ngoài như Trung Quốc, Campuchia, châu Phi để tiến hành lừa đảo người dân.
“Thời gian qua, đã có 28 vụ lừa đảo được người dân trình báo, nhưng đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, vì tâm lý nhiều người cho rằng tiền đã mất rồi nhưng xấu hổ không báo cho cơ quan công an. Có những trường hợp nạn nhân là cụ già tích cóp cả đời được gần 1 tỷ đồng bị chúng lừa mất trắng. Hay có đối tượng lừa tình những phụ nữ trên mạng xã hội rằng đã gửi 500 triệu đồng nhưng phải đóng phí 50 triệu đồng mới được nhận tiền, sau đó kẻ gian biến mất. Thậm chí, có đối tượng lừa đảo còn gọi cho cả tôi xưng là công an dọa nạt. Sau đó, tôi nói mình chính là công an đây thì đối tượng này văng tục rồi tắt máy”, Đại tá Kiều Quang Phương chia sẻ.
Chia sẻ với PV VietNamNet về phòng chống tội phạm trên không gian mạng, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Ba Vì cho hay, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để kết nối gửi quà, sau đó giả danh bưu điện, hải quan để đòi tiền nhận quà. Thậm chí, các đối tượng còn giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện thoại đe dọa người dân và đòi chuyển tiền, sau đó chiếm đoạt. Các đối tượng xấu còn chiếm quyền kiểm soát các tài khoản mạng xã hội, sau đó nhắn tin lừa người dân vay tiền; lập website giả mạo lừa lấy mã OTP và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Gần đây nhất là thủ đoạn gọi điện thoại thông báo người thân, học sinh bị tai nạn cần tiền cấp cứu.
Trước vấn đề này, Công an huyện đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng như tăng cường tuyên truyền đến người dân các xã về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Do các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến những phụ nữ và người cao tuổi có điều kiện về kinh tế, nên công an huyện Ba Vì đã làm việc với Hội phụ nữ huyện để tuyên truyền thủ đoạn lừa đảo, đồng thời huy động lực lượng Công an xã tuyên truyền trực tiếp, nâng cao cảnh giác cho những người cao tuổi.
“Chúng tôi đã đặt 30 biển cảnh báo tại các quầy giao dịch của ngân hàng và các điểm công cộng để cảnh báo người dân về thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng tội phạm trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Công an huyện cũng đã làm việc với các ngân hàng để có thể kịp thời bảo vệ khách hàng. Khi phát hiện những biểu hiện tâm lý bất thường của người chuyển tiền, cần liên hệ với công an huyện để có biện pháp ngăn chặn, đảm bảo tài sản cho người dân. Công an huyện cũng đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể trình báo công an khi có nghi ngờ về khả năng bị lừa đảo”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Công an xã Chu Minh, Ba Vì cho biết, sau đại dịch Covid-19, tội phạm trên không gian mạng tăng nhanh. Theo phản ánh của người dân trên địa bàn xã Chu Minh, có nhiều đối tượng giả danh công an, tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến đường dây buôn bán ma túy. Sau đó, chúng yêu cầu người dân phải ra ngân hàng chuyển tiền để bảo lãnh. Khi bị hại đến ngân hàng chuyển tiền, các đối tượng lừa đảo yêu cầu nói dối nhân viên ngân hàng là chuyển tiền cho con để làm nhà.
Ngoài ra, các đối tượng tội phạm mạng còn sử dụng thủ đoạn lừa đảo người dân tải ứng dụng (app) kiếm tiền online. Ban đầu, chúng chi hoa hồng sòng phẳng nhưng khi bị hại nạp số tiền lớn hơn thì các đối tượng này biến mất.
“Qua điều tra, chúng tôi rất khó xác minh các đối tượng lừa đảo này vì chúng sử dụng tài khoản ảo, SIM rác, thẻ ngân hàng không chính chủ để gây án. Do tội phạm sử dụng công nghệ giao dịch trên không gian mạng nên nếu xử lý được vấn đề SIM chính chủ chắc chắn sẽ giảm thiểu rất nhiều vụ việc lừa đảo tương tự. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần có cơ chế phối hợp nhanh để phong tỏa tài khoản mà các đối tượng lừa đảo sử dụng để chiếm đoạt tài sản”, ông Hùng cho hay.
Rất nhiều vụ việc Công an huyện Ba Vì nhận được trình báo của người dân, nhưng việc điều tra các đối tượng này gặp khó khăn, khi mà việc hợp tác cung cấp thông tin giữa các ngân hàng và các nhà mạng di động bị kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến công tác phá án. Thậm chí, khi Công an huyện Ba Vì gửi văn bản yêu cầu điều tra những đối tượng lừa đảo qua Zalo thì công ty chủ quản là VNG không hợp tác.
Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Ba Vì, khi người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thì việc điều tra xử lý vụ việc gặp rất nhiều khó khăn bởi tài khoản giao dịch trên mạng xã hội là tài khoản ảo, thậm chí các đối tượng ở nước ngoài. Vì vậy, các biện pháp phòng ngừa vẫn là cơ bản để bảo vệ tài sản cho người dân.