Công nghệ làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động quản trị nhân sự
Ngày 15/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Hội nghị Nhân sự - Công nghệ (TalentX) 2023 chủ đề ‘Nâng tầm nhân tài với sức mạnh của Công nghệ và Quản trị’.
Đại diện VINASA, ông Nguyễn Tuấn Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số của Hiệp hội chia sẻ, trong kỷ nguyên số, cách quản trị nhân sự có những thay đổi vô cùng mạnh mẽ và nhanh chóng.
Hội nghị TalentX 2023 hướng tới cung cấp cho các nhà lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, các quản lý phòng ban, bộ phận chức năng trong doanh nghiệp những góc nhìn mới về công nghệ trong lĩnh vực nhân sự.
Dẫn các con số thống kê của các tổ chức quốc tế, ông Nguyễn Tuấn Huy thông tin, năm 2022 thị trường công nghệ đã cắt giảm hơn 94.000 việc làm.
Các công ty như Microsoft, Alphabet và Amazon cũng đối mặt với việc nhân sự bị cắt giảm đáng kể. Meta đã cắt giảm hơn 11.000 công nhân, tương đương 10% tổng số lực lượng lao động.
Google sa thải hơn 12.000 nhân viên. Twitter đã loại bỏ hơn 6.000 công nhân, chiếm khoảng 80% tổng số nhân sự của họ.
“Những con số này chỉ là một phần nhỏ của chuỗi sụt giảm số lượng nhân sự mà dự báo sẽ tiếp tục lan tỏa trên toàn cầu, kể cả tại Việt Nam”, ông Nguyễn Tuấn Huy cho hay.
Điều đáng chú ý, theo đại diện VINASA, tính đến khoảng quý I/2023, sau khi cắt giảm nhân sự lên tới gần 1/4 lực lượng lao động toàn cầu của công ty, tương đương khoảng 20.000 việc làm, Mark Zuckerberg, người sáng lập kiêm CEO của Meta khẳng định công ty đang hoạt động hiệu quả hơn, có kết quả kinh doanh tốt nhờ vào một phần không nhỏ của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó có việc ứng dụng công nghệ trong lãnh đạo và quản trị nhân sự.
Trao đổi tại hội nghị, các chuyên gia công nghệ và nhân sự đến từ FPT, KPMG, Udemy Business, tổ chức Giáo dục Kingsman... đều thống nhất rằng, GenAI - hiểu theo nghĩa rộng gồm các thiết bị, phần mềm tự động hóa, công cụ ứng dụng Generative AI (AI tạo sinh) đóng vai trò cốt lõi trong việc giúp các doanh nghiệp tối ưu được chi phí, nguồn lực trong khi vẫn đảm bảo được các chỉ tiêu kinh doanh.
Cập nhật báo cáo mới nhất được KPMG thực hiện với hơn 1.300 CEO tại 11 thị trường quan trọng, bà Vũ Thị Lê Lan, Giám đốc Dịch vụ tư vấn con người và quản trị sự thay đổi của KPMG cho biết, các CEO đều coi GenAI là một trong những ưu tiên đầu tư song song với kỳ vọng thu hồi vốn trong khoảng từ 3 - 5 năm tới.
"Song song với việc đặt ưu tiên đầu tư vào công nghệ mới này, những rủi ro thách thức từ GenAI cũng được nhận định sẽ làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, ổn định của các tổ chức. Một trong những thách thức với các doanh nghiệp khi triển khai AI là thiếu năng lực chuyên môn và kỹ năng cần thiết. Muốn GenAI trở thành ‘con sen’ của mình thì chúng ta phải có kiến thức để làm chủ được nó”, bà Vũ Thị Lê Lan thông tin thêm.
Theo nền tảng học trực tuyến cho doanh nghiệp lớn nhất thế giới Udemy Business, thời gian qua đã có sự phát triển vượt bậc trong việc học các kỹ năng liên quan đến AI trên Udemy.
Cụ thể, nhân sự học các kỹ năng liên quan đến AI đã tăng trưởng 60%, số lượt học ChatGPT tại Mỹ tăng 5.226% chỉ trong quý 1/2023.
Công thức của lực lượng lao động tương lai
Chia sẻ góc nhìn của một người đang làm công tác đào tạo nhưng đã trải qua nhiều vị trí công tác trong doanh nghiệp công nghệ, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Trường Đại học FPT, phụ trách hoạt động của Viện Quản trị kinh doanh FSB đặc biệt nhấn mạnh với các doanh nghiệp, những người làm nhân sự về tầm quan trọng của thế hệ GenZ (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) và GenAI.
Nhấn mạnh GenZ chính là lực lượng lao động chính của các doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Hoàng Nam Tiến dẫn chứng ngay thực tế tại FPT, trong 65.000 nhân sự của tập đoàn, có tới 48% người thuộc thế hệ GenZ.
Trên toàn cầu, chỉ 5 năm nữa, GenZ sẽ chiếm 50% cơ cấu lực lượng lao động. Vì thế, các doanh nghiệp cần thay đổi để phù hợp với thế hệ nhân sự khác biệt, luôn mong muốn trải nghiệm.
Nói về ảnh hưởng của GenAI đến việc làm, ông Hoàng Nam Tiến chỉ ra rằng, việc ứng dụng AI, BI (Business Intelligence), robot trong các doanh nghiệp, nhà máy đã và sẽ khiến nhân sự trong nhiều ngành nghề có nguy cơ bị mất việc, đơn cử như lập trình viên, kế toán, giao dịch viên ngân hàng, chuyên viên tư vấn tín dụng, nhân viên bán hàng, marketing...
“Điều này tác động đến công tác quản trị nhân sự của doanh nghiệp, đòi hỏi việc quản trị nhân sự, quản trị tài năng phải nhấn mạnh đến vấn đề sáng tạo”, ông Hoàng Nam Tiến lưu ý.
Đưa ra công thức về thế hệ lao động tương lai trong doanh nghiệp là “GenZ + GenAI”, Phó Chủ tịch trường Đại học FPT cho rằng: Mỗi giám đốc nhân sự phải luôn nhớ mình là 1 giám đốc nhân sự công nghệ, phải hiểu được GenZ và GenAI.
Bộ phận quản trị nhân sự của doanh nghiệp theo từng năm, từng quý và thậm chí sắp tới là từng tháng, phải nắm được những việc gì mà robot, AI có thể thay thế và thay thế tốt hơn con người để chúng ta ngay lập tức chuyển trọng tâm sang hướng khác.
Đối với những người lao động đang làm những việc sẽ bị AI, robot thay thế, bộ phận nhân sự ngay lập tức có thể yêu cầu họ trong khi vẫn làm việc cũ thì phải học thêm kiến thức, kỹ năng mới để chuyển sang lĩnh vực, công việc khác.
“Với GenZ, để lực lượng lao động này tồn tại được trong thời gian tới, cần phải đào tạo để họ trở thành những người sáng tạo nhất trong lĩnh vực của mình. Ví dụ, về marketing thì phải là người xuất sắc, sáng tạo trong việc đưa ra các ý tưởng mới”, ông Hoàng Nam Tiến nêu quan điểm.