Xuất khẩu gạo gặp khó vì Covid-19
Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả xuất khẩu gạo năm 2019 và định hướng năm 2020.
Theo Bộ Công Thương, hai tháng đầu năm 2020, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) diễn biến nhanh, phức tạp và nghiêm trọng. Bên cạnh tình hình phức tạp về thiên tai, dịch bệnh, diễn biến thương mại gạo toàn cầu tiếp tục có các diễn biến tác động không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Tổng khối lượng gạo xuất khẩu hai tháng đầu năm ước đạt 895 nghìn tấn, giá trị 410 triệu USD, tăng 27% về khối lượng và tăng 32,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Trước đó, năm 2019 xuất khẩu gạo đạt 2,81 tỷ USD.
Gạo Việt Nam đang nâng cao chất lượng để cải thiện giá trị xuất khẩu. Ảnh: Lương Bằng |
Trong năm 2020, theo nhận định của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo đối mặt với diễn biến khó lường, đa chiều của các yếu tố thị trường, tình hình dịch bệnh, thiên tai.
Thị trường toàn cầu chưa có dấu hiệu khởi sắc do dịch bệnh tại Trung Quốc lan rộng. Diễn biến của dịch Covid-19 là nguyên nhân tác động đến khả năng xuất khẩu gạo và khả năng, nhu cầu, thời điểm nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Nhu cầu từ Trung Quốc (trong cả nhập khẩu và xuất khẩu) sẽ tác động đến giá cả thị trường thế giới cũng như giá cả trong nước.
Hiện nay, do lo ngại dịch bệnh Covid-19, nhiều hãng tàu không nhận đơn vận chuyển và nhiều giao dịch đều được yêu cầu chuyển cảng nhận hàng. Điều này sẽ làm phát sinh chi phí vận chuyển.
Mặc dù Trung Quốc luôn duy trì lượng gạo tồn kho lớn nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc trồng, sản xuất tại nước này có thể sẽ chịu tác động. Trung Quốc vẫn có nhu cầu nhập khẩu nhằm duy trì ổn định an ninh lương thực trong nước. Do vậy, thời điểm Trung Quốc tiến hành nhập khẩu gạo sẽ tác động đến tình hình giá cả trong nước cũng như thị trường quốc tế.
“Đây là bước đi tiếp theo của Philippines sau việc tự khởi xướng điều tra sơ bộ biện pháp tự vệ toàn cầu đối với gạo nhập khẩu trong nỗ lực kiểm soát gạo nhập khẩu vào nước này trước sức ép trong nước. Song đây là cơ hội nâng cao ý thức trong sản xuất, chế biến và kinh doanh nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam”, Bộ Công Thương đánh giá. |
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường Philippines có thêm cơ hội cho gạo Việt Nam. Cụ thể, việc cho phép khối tư nhân Philippines được tự do nhập khẩu tạo nhiều cơ hội cho các thương nhân xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp cận thị trường này.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương băn khoăn động thái tăng cường kiểm soát nhập khẩu thông qua động thái tiến hành “đánh giá lại Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đối với gạo xay xát nhập khẩu vào Philippines” và cử đoàn đành giá làm việc tại Việt Nam sẽ tạo ra không ít tác động đến tâm lý của thị trường gạo Việt Nam khi Philippines là thị trường truyền thống, hàng năm có nhu cầu nhập khẩu lớn từ Việt Nam.
Chờ tín hiệu tốt từ châu Phi, EU, Hàn Quốc
Nhiều thị trường khác cũng đang có những diễn biến có lợi cho gạo Việt. Cụ thể, thị trường Thái Lan, nên cạnh tác động của tỷ giá đồng Bath/đồng USD cao, việc sản lượng gạo của Thái Lan giảm so với mọi năm do hạn hán là một trong những nguyên nhân khiến cho giá gạo Thái Lan luôn giữ ở mức cao trong thời gian qua.
Bộ Công Thương cho rằng: “Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tận dụng, cạnh tranh về giá tại các thị trường, nhất là một số thị trường gạo trung chuyển lớn như Singapore, Hồng Kông”.
Còn khu vực thị trường châu Phi có thể giảm nhu cầu đối với gạo Trung Quốc do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Cùng với việc giá gạo của Thái Lan đang mở mức cao, đây có thể là cơ hội để gạo Việt Nam tiếp tục thâm nhập, mở rộng thị phần tại thị trường này.
Đáng chú ý, thị trường EU và Hàn Quốc đang phát đi tín hiệu tốt cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Kể từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20.000 tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là hơn 55 nghìn tấn gạo. Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu. Mặc dù vậy việc đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch đối với gạo trong đấu thầu là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng thị phần tại Hàn Quốc.
Còn nếu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 7/2020, việc tận dụng hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm mà EU dành cho Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thu hẹp bất lợi trong cạnh tranh (với Thái Lan, Campuchia) và mở rộng thị trường gạo cao cấp này. Trong trường hợp tận dụng tốt EVFTA, nửa cuối năm 2020, Việt Nam có thể xuất khẩu được 40.000 tấn gạo trong hạn ngạch thuế quan và 100.000 tấn gạo tấm vào EU.
“Như vậy, nếu tận dụng tốt, năm 2020, Việt Nam có thể xuất khẩu được 100.000 tấn gạo và 100.000 tấn gạo tấm vào hai thị trường này”, Bộ Công Thương kỳ vọng.
Lương Bằng
Thế mạnh Việt lập kỷ lục, chứng tỏ sức mạnh, vượt Thái Lan
Trong khi hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu gặp khó trong những tháng đầu 2020 thì xuất khẩu gạo lại bất ngờ tăng mạnh. Thế mạnh tỷ USD của Việt Nam dự báo vượt cả Thái Lan.