- Việc khuyến khích các môn năng khiếu cần được duy trì đúng cách, đúng mức… thì chúng ta mới có được những thế hệ người Việt khỏe mạnh, có đạo đức, có tri thức và năng lực xử lý công việc. 

Năm nay lần đầu tiên con tôi được đi dự giải bơi học sinh thành phố Hà Nội, và cũng là năm ngành GDĐT bỏ cộng điểm khuyến khích vào lớp Mười. Tôi bất ngờ vì giải bơi năm nay vắng hẳn vận động viên (VĐV) học sinh, chắc chỉ còn già nửa so với năm ngoái. 

Nhớ cách đây hai năm, tôi đã phản ánh chuyện phụ huynh “chạy giải bơi” để con có thành tích kiếm điểm cộng khuyến khích. Những tưởng việc bỏ cộng điểm này sẽ giúp giải bơi phong trào dịch chuyển về hướng có tinh thần thể thao đúng nghĩa hơn, nhưng thực tế nhiều khi không phải như vậy.   

Không chỉ số lượng đăng ký tham dự ban đầu giảm, mà ngay trong các nội dung thi đấu, cũng xảy ra tình trạng bỏ cuộc nhiều. Người ta giải thích rằng vì Giải được tổ chức trong điều kiện quá nắng nóng (đúng vào đợt nóng kỷ lục ở miền Bắc vừa qua) và thể thức có đấu loại vào chung kết, cuộc thi đấu bị kéo dài (thậm chí nhiều nội dung đến hôm sau mới thi đấu chung kết). 

Thực tế thì nắng nóng khó lường trước, khi kế hoạch đã được lên từ cách đây hàng tháng, và bản thân thể thức đấu loại vào chung kết thay vì tính thành tích từ trên xuống dưới (concour) sẽ mang lại tính công bằng và minh bạch cao hơn. Nhưng rõ ràng việc bỏ cuộc của các VĐV năm nay diễn ra phổ biến, trở nên đáng báo động về tinh thần thể thao học đường.  

{keywords}
Bơi là một hoạt động thể chất rất tốt cho học sinh. Ảnh minh họa: Mask online/ Sovhtt.hanoi.gov.vn

Ở cả hai ngày thi, ở tất cả các nhóm tuổi đều diễn ra tình trạng bỏ cuộc như vậy. Nhiều “trận” chung kết chỉ diễn ra giữa hai, ba tay bơi, thậm chí cá biệt có trận chỉ có một mình một cháu gái lớp 11… tự thi đấu. 

Có thể thấy, đây là tình trạng “mất động lực” của các VĐV. Hiện tượng bỏ cuộc khi bị chấn thương hoặc không đảm bảo sức khỏe hay một lý do nào khác, đó là cá biệt, còn thực tế bỏ cuộc hàng loạt như ở Giải bơi vừa qua lại là chuyện hoàn toàn khác. Phải chăng là cho đến nay, chúng ta đang đặt ra cho con cái một động lực thiếu trong sáng, khi thể thao và các môn năng khiếu chỉ nhằm kiếm điểm khuyến khích? 

Việc Nhà nước đưa ra chính sách khuyến khích phát triển thể thao học đường và nâng cao sức khỏe, thể chất của người Việt là hết sức đúng đắn. Nhưng thực hiện như thế nào thì chắc chắn còn có nhiều khó khăn vướng mắc. Học sinh và ngay cả phụ huynh vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của thể chất, sức khỏe đối với quá trình học tập và suốt cuộc đời sau này. Một trong những tác dụng của thể thao, là rèn đạo đức, tính hào hiệp và tinh thần thượng võ, nhưng chúng ta làm ngược lại, khuyến khích thể thao phát triển theo hướng “láu cá”. 

Chưa nói đến thế giới, quan sát phong trào thể thao tại một trường quốc tế ở Hà Nội, tôi đã thấy khác hẳn. Học hành tốn rất ít thời gian, nhưng đòi hỏi học sinh phải tự chủ, độc lập trong nghiên cứu vì bài tự luận rất nhiều – và điều đáng nói là thời gian chơi thể thao hàng ngày rất nhiều. Từ 15h chiều trở đi các cháu chỉ dành cho thể thao. Phong trào chơi thể thao theo hướng “tiệm cận chuyên nghiệp” cũng rất mạnh. 

Các giải thi đấu dù của trường nhưng được tổ chức chuyên nghiệp, công bằng, văn minh; mời các VĐV năng lực tham gia… nên chất lượng giải rất cao. Do đó học sinh trường quốc tế này cũng có thái độ đối với thể thao rất khác, tập luyện vì tinh thần thể thao cao đẹp và tập vì tương lai chứ không phải vì thành tích. 

Việc bỏ cộng điểm khuyến khích tưởng chừng giảm được tình trạng chạy đua với rất nhiều môn năng khiếu và sự bùng phát giải thi ở các địa phương, nhưng có khi cũng làm suy giảm luôn cả phong trào luyện tập thể thao của học sinh. Suy cho cùng, cũng bởi chúng ta chưa tạo được những động lực đích thực, tự thân cho việc rèn luyện này. 

Rất nhiều vấn đề đang đặt ra yêu cầu toàn xã hội, mà ngành giáo dục đào tạo là chủ yếu, phải thực sự đặt lại cách nhìn nhận: thay đổi tư duy, dẫn đến thay đổi nhãn quan với việc học hành của con cái chúng ta. “Học chữ” là quan trọng, nhưng nó phải được đặt trên nền tảng đạo đức và thể chất. 

Giáo dục không chỉ là dạy chữ, mà phải đào tạo ra những con người có đầy đủ sức khỏe về thân thể và tâm hồn, được trang bị tốt những kỹ năng sống, kỹ năng làm việc. Việc khuyến khích các môn năng khiếu cần được duy trì đúng cách, đúng mức… thì mọi thứ mới về đúng vị trí của nó và chúng ta mới có được những thế hệ người Việt Nam khỏe mạnh, có đạo đức, có tri thức và năng lực xử lý công việc. 

Phúc Lai

Bài văn ‘bá đạo’, sáng kiến dậy sóng và bệnh… ngại nghĩ

Bài văn ‘bá đạo’, sáng kiến dậy sóng và bệnh… ngại nghĩ

Khắc phục căn bệnh “ngại nghĩ” để làm đúng, hành xử đúng và có hiệu quả cao hơn trong giáo dục, và rộng ra là mọi lĩnh vực… đang và sẽ phải là đòi hỏi cấp thiết.

Học sinh Việt Nam được chiều chuộng quá đáng

Học sinh Việt Nam được chiều chuộng quá đáng

Chung quy lại do học sinh của chúng ta được nuông chiều quá mức, không được chuẩn bị từ ở nhà trước khi du học.

Con tôi đã học đánh giày ở… Mỹ như thế nào?

Con tôi đã học đánh giày ở… Mỹ như thế nào?

Trường trung học của con tôi với lịch sử 112 năm luôn đào tạo được nhiều học sinh có đủ kỹ năng để tự tin sống tốt trong các hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống.

Theo chân ‘tiểu siêu nhân’ đi… học thêm

Theo chân ‘tiểu siêu nhân’ đi… học thêm

Cuộc tranh luận về học thêm chưa biết bao giờ kết thúc. Không ít lãnh đạo, giáo viên và phụ huynh vẫn suy nghĩ rằng:có học thêm vẫn hơn không, không học thêm sao lên lớp được; nhu cầu học thêm, dạy thêm rất chính đáng…”.

Học giỏi mà leo cầu thang không nổi thì giỏi làm gì?

Học giỏi mà leo cầu thang không nổi thì giỏi làm gì?

Làm sao để gây dựng những thế hệ có tinh thần lành mạnh trong cơ thể khỏe mạnh là một vấn đề thực sự quan trọng, cần kíp.