Câu chuyện về những hạn chế, yếu kém của ngành công nghiệp vật liệu, đặc biệt là công nghiệp thép, cơ khí chất lượng cao phục vụ cho các ngành sản xuất như ngành sản xuất ô tô được xới lên tại buổi họp báo về Triển lãm chuyên ngành ngành công nghiệp phụ tùng và dịch vụ ô tô Automechanika 2023.

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết sản lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam chưa đạt mức trung bình 500.000 xe/năm, các sản phẩm chủ yếu đến từ việc nhập khẩu và lắp ráp. Vì vậy, nền công nghiệp ô tô nước ta chưa thể kiện toàn.

Sản xuất phụ tùng ô tô tại Thaco (ảnh: Băng Dương)

Theo ông Tuất, muốn có một nền công nghiệp ô tô thì đầu tiên cần có một nền công nghiệp khoa học kỹ thuật cơ bản vững chắc, tiếp nối đó là nền công nghiệp vật liệu (sản xuất ra thép hợp kim).

Ông chua xót nói: "Trên một chiếc ô tô sedan, hơn 200 mác thép khác nhau, thì Việt Nam chưa làm được mác thép nào. Có một thời tôi hay nói mỉa mai là, duy nhất chỉ có cái ốc vít bắt cho biển số và chỉ 6 tháng sau, nó rỉ mất rồi. Chúng ta chưa có công nghiệp ô tô vì không có nền khoa học cơ bản."

Chủ tịch VASI cũng cho biết các tập đoàn sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thừa nhận rằng họ chưa thể dẫn dắt doanh nghiệp trong nước chế tạo những linh kiện quan trọng, vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Các hãng xe lớn đòi hỏi nhiều tiêu chí như tiêu chuẩn kỹ thuật, có năng lực về tài chính, có năng lực về quản trị doanh nghiệp, do đó, yêu cầu rất cao đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ô tô.

Theo ông Phan Đăng Tuất, một khó khăn lớn nữa là Việt Nam còn thiếu các chính sách lớn để thúc đẩy nền công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phát triển. Chẳng như như Hàn Quốc và Nhật Bản đã ban hành những đạo luật liên quan tới công nghiệp hỗ trợ nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có một đạo luật riêng. 

Ông cũng cho hay, Luật Phát triển công nghiệp mới ở dạng dự thảo, đang xin ý kiến chủ trương. Công tác xây dựng luật vẫn còn trì trệ trong khi việc ban hành Luật này là cấp thiết. 

Ngoài ra, ông cũng cho rằng, Việt Nam cần có hiến lược phát triển ngành công nghiệp vật liệu theo hướng rõ ràng, dễ thực hiện, khả thi và đủ sức hấp dẫn.

Sản xuất ô tô tại Thaco (ảnh: Băng Dương)

Trong khi đó, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Nguyễn Chỉ Sáng cũng cho rằng, tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm ô tô các loại tại Việt Nam là khá khiêm tốn, một trong những lý do được nhắc đến nhiều là do sản lượng xe sản xuất trong nước chưa đủ lớn để có thể phát triển công nghiệp hỗ trợ, đây có thể là nguyên nhân chính.

Những tháng đầu năm 2023, doanh số toàn thị trường xe ô tô cả năm 2023 (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) có thể bị sụt giảm xấp xỉ 17,5% so với 2022, tương đương với hơn 85.500 xe. 

Trong dài hạn, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, mục tiêu xuất khẩu khoảng 90.000 xe và thu được 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng vào năm 2035 sẽ không thể đạt được, nếu không có những chính sách thúc đẩy ngắn hạn, dài hạn một cách kịp thời trong giai đoạn tới.

Trên thực tế, nhìn từ Thaco, có thể khẳng định, các nhà sản xuất Việt Nam không chỉ có khả năng cung cấp những chi tiết, phụ tùng đơn giản mà còn cả những máy móc, thiết bị phức tạp cho ngành công nghiệp ô tô 

Bộ Công Thương cho biết,  ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 05 năm trở lại đây. Cụ thể như năm 2018, có 287.586 ô tô được sản xuất thì đến năm 2022, đã đạt 439.600 xe, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Dù vậy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá khiêm tốn với khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô... So với các quốc gia trong khu vực, những con số này rất khiêm tốn. Đơn cử như Thái Lan có gần 700 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 1 thì tại Việt Nam có chưa đến 100 doanh nghiệp. Đối với nhà cung cấp cấp 2, cấp 3, Việt Nam chỉ có chưa đến 150 doanh nghiệp, trong khi Thái Lan có khoảng 1.700 doanh nghiệp.

Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các Tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.

Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao khi mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như ghế, bộ dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm... và một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, doanh nghiệp nội địa chưa sản xuất được và phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

Băng Dương