Đang có công việc ổn định tại một ngân hàng, Nguyễn Tấn Lộc (SN 1988, quê Đồng Tháp, sinh sống ở TP.HCM) bất ngờ xin nghỉ để theo đuổi nghề tái chế bã cà phê. Khẩu hiệu của anh là “Khởi nghiệp xanh - khởi nghiệp cho xã hội”, từ bã cà phê.
Tiếp tục khởi nghiệp nhờ… thoát chết
Chia sẻ với báo VietNamNet, anh Lộc cho biết, để quyết định từ bỏ công việc có thu nhập ổn định tại ngân hàng là một điều không hề dễ dàng. Anh tiết lộ, đây không phải là lần đầu tiên anh chọn khởi nghiệp.
“Đây là lần thứ ba tôi quyết định khởi nghiệp dù hai lần trước… thất bại. Tôi học được nhiều bài học từ thất bại. Thực sự, hai lần thất bại kia mang lại cho tôi nhiều bài học, kinh nghiệm sâu sắc - là cơ sở, là nền tảng để quyết tâm khởi nghiệp lần này”, anh Lộc nói.
Anh nhận diện, lần đầu thất bại là do bản thân không định hướng, cũng không có lý do, mục đích rõ ràng nên cuối cùng việc kinh doanh bị chùn lại, không phát triển. Lần đó, Lộc gặp nhiều khó khăn trong vệc phát triển sản phẩm. Anh chỉ nhìn chăm chăm vào lợi nhuận cao mà không tìm được đúng đam mê của mình.
“Lần thứ hai thất bại do tôi tin tưởng vào người đồng hành quá nhiều, rồi cuối cùng bị dẫn vào quá nhiều thứ. Lần này rất đau đớn vì mất tiền, mất việc, mất luôn người bạn”, anh Lộc xót xa.
Trở lại với việc quyết tâm khởi nghiệp lần ba. Sở dĩ Lộc vẫn chọn khởi nghiệp bởi ước mơ của anh từ lúc nhỏ là tạo ra được nhiều việc làm cho bà con ở quê mình, để không còn ai phải đi xa lập nghiệp, mưu sinh.
Và lý do lớn nhất thúc đẩy Lộc quyết tâm tiếp tục khởi nghiệp chính là “thoát chết”.
“Tôi là người may mắn thoát chết từ vụ cháy chung cư Carina cách đây 6 năm. Tôi nghĩ mình may mắn thoát được vụ cháy đó thì phải làm điều gì đó cho xã hội. Làm điều này cũng là để tôi có thể trả ơn cho ông trời đã cho tôi được sống thêm lần nữa”, anh Lộc chia sẻ.
Về việc chọn bã cà phê để khởi nghiệp, anh Lộc tiết lộ, lý do đơn giản là khi bắt đầu khởi nghiệp thì nên làm từ cái nhỏ bé, gần gũi với cuộc sống đời thường.
“Tôi thấy, từ thói quen uống cà phê hàng ngày, bã cà phê được mang bỏ đi rất uổng phí. Tôi nhìn nó và đặt câu hỏi, tại sao bã cà phê rất giá trị mà mọi người thường bỏ đi, sao không tái chế thành những sản phẩm phục vụ lại cuộc sống của mình”.
Bấy giờ, dựa vào công dụng của bã cà phê, anh liên tưởng ngay đến các sản phẩm dùng để khử mùi cho xe ô tô, nhà vệ sinh, nước lau sàn nhà… mà không cần dùng đến hóa chất. Những sản phẩm chính của Lộc ra đời từ đó.
Bàn cân được mất
Khi nhận câu hỏi được, mất từ khởi nghiệp, anh Nguyễn Tấn Lộc không ngần ngại chia sẻ: “Mất nhiều thứ lắm anh, mất tiền, mất thời gian, mất công sức…”.
Nói rồi, anh cười thật tươi và khẳng định, cái mất đó không lớn bằng cái mà anh nhận được từ khởi nghiệp. Đó chính là tìm ra được chính mình, ngộ ra được bản thân có điểm mạnh, yếu nào và việc cần làm trong cuộc sống là gì.
“Điều đặc biệt hơn nữa là nó gợi lên, bừng lên, chạm đến và tìm đúng cái mà mình đam mê thật sự chứ không phải là đi làm có thu nhập cao, quần áo bảnh bao, đi xe xịn… Tôi hay nói đùa với các bạn trẻ là muốn tìm ra chính mình thì hãy khởi nghiệp".
Điều anh Nguyễn Tấn Lộc học được từ khởi nghiệp chính là cơ hội để tìm ra chính mình, chứ không dừng lại giá trị là doanh thu hay lợi nhuận.
Tự nhìn về dự án của mình sau khi đi vào thực tế, anh Nguyễn Tấn Lộc thành thật nói vẫn còn rất khó khăn. Theo anh, đây là lĩnh vực thiên về mặt xã hội, môi trường nên gặp rất nhiều khó khăn từ bán hàng, marketing, nhân sự cho tới quy định...
“Nhưng không vì những khó khăn đó mà tôi bỏ cuộc. Càng khó khăn, thử thách, tôi lại càng quyết tâm hơn. Đến nay, tôi rất vui vì doanh nghiệp không bị lỗ, được anh em, bạn bè và xã hội rất ủng hộ”.
Thông qua những lần được mời tham gia sự kiện về tái chế, về môi trường, anh Lộc được chia sẻ, lan tỏa dự án tái chế bã cà phê cùng với chị em của hội phụ nữ, được các trường học mời về chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp cho các bạn trẻ, lan tỏa việc tái chế…
“Hi vọng, việc khởi nghiệp xanh của tôi sẽ truyền cảm hứng cho các bạn, những người quan tâm”, anh nói.
- PV: Có một thực tế hiện nay, người trẻ luôn muốn làm chủ, chạy theo trào lưu khởi nghiệp nhưng không phải ai cũng thành công, nếu không muốn nói là thất bại khá nhiều. Không phải còn quá trẻ, nhưng cũng có thể xem doanh nghiệp của mình là non trẻ, anh cảm thấy lo lắng hay tự tin vào hành trình mình đang đi? - Anh Nguyễn Tấn Lộc: Tôi nhận thấy các bạn trẻ hiện nay có tinh thần khởi nghiệp rất cao, lan tỏa rất rộng. Tôi cho rằng để nhận xét, đánh giá tính khả thi của việc khởi nghiệp nào đó thành công hay thất bại là chuyện rất khó nói, khó đoán. Nhưng điều tôi luôn tự tin là có thể tự trả lời thuyết phục bản thân mình “lý do để khởi nghiệp là gì”. Tôi luôn tin rằng, khi làm bất cứ điều gì dù lớn hay nhỏ mà chúng ta đặt lợi ích cá nhân lên đầu tiên thì sẽ tự giới hạn bản thân. Khởi nghiệp đâu chỉ dừng lại là làm để kiếm tiền, mà phải hơn thế nữa. |