“Con trai tôi học lớp 9 và đạt IELTS 7.5, điểm Nghe và Từ vựng là 8.5. Tôi nói các thầy đừng buồn, nhưng điểm đó là từ mạng, kênh Discovery chứ không từ trường lớp”, TS Đàm Quang Minh kể về con mình tại hội thảo “Dạy con trong thời đại Trí tuệ nhân tạo” diễn ra ngày 21/7 ở TP.HCM.
Ông nói thêm khi kiểm tra lịch sử máy tính của con, ông thấy nhiều bài học rất hay, được cập nhật thường xuyên hơn bài giảng ở lớp.
Không chỉ TS Đàm Quang Minh, nhiều bậc phụ huynh cũng chứng kiến quá trình học tập của con thay đổi theo sự phát triển của công nghệ. Thời đại 4.0 đang đặt ra cơ hội cho thế hệ trẻ, cũng như không ít thách thức với người làm cha mẹ.
Đừng sốt ruột mà ép trẻ học theo con hàng xóm
Cũng tại hội thảo do Ivyprep tổ chức này, GS.TS Phan Quang Tuấn (ĐH Quốc gia Singapore) cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) đã thay đổi cuộc sống con người rất nhiều. Kéo theo đó, giáo dục cũng thay đổi với việc tiếp cận thông tin, khóa học rẻ, tiện lợi hơn.
Từ năm 2012, Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, mở khóa học online. Điều này có nghĩa mọi người có thể đăng ký các khóa mà năm 1999, ông phải sang tận Mỹ để học.
GS.TS Phan Quang Tuấn khẳng định công nghệ, đặc biệt trí tuệ nhân tạo, ảnh hưởng lớn tới giáo dục. |
Ngoài ra, các chương trình, môn học của ĐH Harvard danh tiếng cũng dễ tiếp cận thông qua các khóa trực tuyến trên Coursera. cơ hội học tập lớn hơn cho người học.
Ông Tuấn cho rằng khi việc ứng dụng AI trở nên phổ biến, nếu các đại học không thay đổi, họ cùng thế hệ trẻ sẽ trở thành “zombies”, khó bắt kịp thời đại.
Cùng quan điểm, GS.TS Ryan Derby-Talbot, Hiệu trưởng ĐH Fulbright Việt Nam, khẳng định không thể phủ nhận những vượt trội của giáo dục trực tuyến dựa trên AI. Tuy nhiên, theo ông, AI không thể hoàn toàn thay thế giáo viên.
“Trong khảo sát tiến hành với sinh viên sau đại học, 3 trong số 6 yếu tố giúp họ thành công liên quan giảng viên, gồm người truyền cảm hứng, hướng dẫn và quan tâm. Câu hỏi đặt ra phải là AI có thể hỗ trợ giáo viên như thế nào”, TS Derby-Talbot nói.
AI không thể thay thế người thầy nhưng nó thay đổi cách người thầy dạy học. Điều quan trọng không còn là dạy kiến thức mà là dạy cách học.
GS.TS Ryan Derby-Talbot, Hiệu trưởng ĐH Fulbright Việt Nam. |
Quá trình học hiện nay không thể thiếu công nghệ. TS Đàm Quang Minh thừa nhận có hai mặt, gồm cả yếu tố đáng ngại nhưng nó đang thay đổi cách học tập. Thậm chí, nhiều người thành công nhờ học qua mạng thay vì sách vở.
Ông nói thêm không ít giáo viên cho học sinh xem video trên mạng xã hội thay vì giảng trực tiếp để tránh trường hợp bỏ sót nội dung kiến thức. Điều quan trọng đây là kênh học tốt nhưng cần phụ huynh hỗ trợ.
“Tương lai sẽ rất khác so với những gì chúng ta học từ trước. Học sinh bây giờ sinh ra, lớn lên trong công nghệ, sẽ có cách hành xử rất khác. Chúng ta nên làm bạn, đồng hành, không nên nói kiểu 'ngày xưa ba mẹ học thế này'. Nếu con học theo chúng ta, chắc chắn hỏng”, ông Minh nhận định.
TS Đàm Quang Minh nói thêm mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập với cách học khác nhau. Phụ huynh không nên thấy con hàng xóm, bạn bè thành công mà sốt ruột, rồi ép theo cách đó. Họ nên xem môi trường, cách tiếp cận nào tốt nhất với con để hướng chúng theo phương pháp phù hợp.
Trí tuệ nhân tạo không làm giảm cơ hội việc làm
AI không chỉ tác động đến giáo dục, phương pháp học tập và cách phụ huynh dạy con. Nó còn thay đổi tương lai nghề nghiệp với hàng loạt công việc được cho là sẽ biến mất. Điều này khiến không ít cha mẹ lo lắng con mình sẽ thất nghiệp nếu không bắt kịp công nghệ.
Học sinh bây giờ sinh ra, lớn lên trong công nghệ, sẽ có cách hành xử rất khác. Chúng ta nên làm bạn, đồng hành, không nên nói kiểu 'ngày xưa ba mẹ học thế này'. Nếu con học theo chúng ta, chắc chắn hỏng.
TS Đàm Quang Minh
Nhiều người thường nghĩ AI hay công nghiệp 4.0 là thứ phức tạp, xa vời. Trên thực tế, nó gắn bó mật thiết với con người. Những công việc như chuyên gia AI đòi hỏi chuyên môn cao. Trong khi đó, nhiều ngành nghề dễ tiếp cận hơn như công nhân điều khiển máy móc.
Có công ty cần đến hàng nghìn công nhân điều khiển máy vận hành. Như vậy, cơ hội việc làm không biến mất, nó chỉ dịch chuyển loại hình. Thực tế, một số ngành còn rất thiếu nhân lực như Công nghệ Thông tin. Nhiều đại học đào tạo đến năm 3 đã không còn nhân viên vì doanh nghiệp nhận hết.
Trước bức tranh nghề nghiệp như vậy, ông Minh cho rằng người học nên tránh ngành có nguy cơ biến mất và theo ngành cần nhiều nhân lực như nghiên cứu công nghệ cao, kỹ sư máy tính. Lúc này, phụ huynh cần định hướng cho con, đương nhiên, kết hợp cả sở thích, năng lực của trẻ. Dù sao, họ có thể yên tâm trong tương lai, số lượng công việc, sự đa dạng ngành nghề chỉ tăng chứ không giảm.
TS Đàm Quang Minh cho rằng công nghệ không làm giảm cơ hội việc làm, công việc chỉ dịch chuyển sang loại hình khác. |
Nói về việc chuẩn bị cho tương lai khi công nghệ chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường việc làm, GS.TS Phan Quang Tuấn cho biết ở Singapore, trẻ em học lập trình từ 10 tuổi. Đây cũng là ngành học bắt buộc tại đại học, kể cả với ngành học tưởng như không liên quan như Âm nhạc.
Đương nhiên, điều này không có nghĩa thế hệ trẻ chỉ chú trọng lập trình. Bản thân ông, trong quá trình nuôi dạy con, rất quan tâm việc hướng chúng phát triển kỹ năng xã hội. Vì nó cũng là yếu tố quan trọng, quyết định con có thể thành công hay không.
Cùng quan điểm, ông Derby-Talbot cho rằng cần hướng trẻ tạo tư duy thích ứng, học tập cả kiến thức công nghệ và xã hội. Theo ông, con người càng gắn kết việc học và biết kết nối với người khác càng dễ kiếm việc và thành công.