Liên quan đến tiến độ dự án cơ sở 2 của một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế như Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức và Lão khoa, tại Hội nghị Triển khai công tác y tế năm 2024 diễn ra ngày 9/1, Bộ Y tế cho biết đã tham mưu Tổ công tác của Chính phủ khẩn trương triển khai xử lý, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc liên quan đến 3 dự án này.

Theo đó, đối với 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bộ Y tế đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết 31/12 năm nay, chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với các nhà thầu để tiếp tục thi công hoàn thành công trình.

Đối với Bệnh viện Lão khoa, Bộ Y tế và UBND tỉnh Hà Nam đã thống nhất về việc điều chỉnh địa điểm đầu tư và các chi phí phát sinh trong quá trình thay đổi địa điểm, điều chỉnh dự án để báo cáo Thủ tướng cho phép thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư do thay đổi địa điểm trước ngày 5/1.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nam đều có quy mô 1.000 giường/viện, tổng mức đầu tư của mỗi cơ sở lên tới hơn 4.500 tỷ đồng. Đây là các cơ sở được xây dựng với mục đích giảm tải nhu cầu khám chữa bệnh cho cơ sở 1 vốn quá tải bệnh nhân. 

Ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này chính thức được khánh thành. Nhưng gần 5 năm, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 chỉ dừng lại ở việc cắt băng khánh thành, chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.

dsc 1457.jpg
Chi tiết các hạng mục ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 Hà Nam bắt đầu bung rách, hoen gỉ, cũ và bẩn dần do không được chăm sóc, vệ sinh. Ảnh chụp tháng 3/2023: Hoàng Hà

Hồi tháng 6/2023, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết cơ bản các nhiệm vụ để triển khai xây lắp 2 bệnh viện nghìn tỷ này đã đạt 80-90%. Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc trong quá trình thanh toán, hoàn thiện các dự án này.

Sau đó 2 tháng, tại lễ trao quyết định bổ nhiệm giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bà Lan cho hay việc xây dựng bệnh viện cơ sở 2 là định hướng phát triển mở rộng bệnh viện đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là khu vực miền Trung. Tuy nhiên, thời gian qua, quá trình triển khai còn một số vướng mắc. 

W-botruong-lan-1-1.jpg
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Thạch Thảo

Thời điểm đó, Bộ trưởng cho biết "các công việc còn lại của dự án này còn rất ít", vì thế người đứng đầu ngành Y tế mong muốn lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cần chú ý, đảm bảo về chuyên môn, nhân lực, chủ động các phương án phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế, để khi dự án tiếp tục triển khai, hoàn thành, bệnh viện sẽ tiếp quản, nhanh chóng đưa cơ sở 2 vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu mong mỏi của người dân.

Tư tưởng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm 'còn diễn ra phổ biến'

Báo cáo tại hội nghị ngày 9/1, Bộ Y tế cho biết năm 2023 ngành y tế thực hiện vượt 3/3 chỉ tiêu được Quốc hội giao, đạt và vượt 7/9 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao. 2 chỉ tiêu không đạt gồm: Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh (chỉ tiêu giao 111,2 bé trai/100 bé gái, thực đạt 112/100) và tuổi thọ trung bình (chỉ tiêu giao 73,8 tuổi, thực đạt 73,7).

Đánh giá chung về công tác y tế năm qua, Bộ Y tế cho biết việc mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, quản lý, sử dụng tài sản công, quản trị đơn vị sự nghiệp y tế công lập còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn diễn ra cục bộ tại một số địa phương, cơ sở y tế. Tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến Trung ương và một số tỉnh, thành chưa được khắc phục triệt để. 

Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, nhất là ứng dụng trong triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu…

Về nguyên nhân, Bộ Y tế thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của một bộ phận công chức chưa cao, tư tưởng e dè, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm còn diễn ra phổ biến. Việc thực thi nhiệm vụ có nơi còn thiếu chủ động, chưa đổi mới, năng lực còn hạn chế, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm. Một số địa phương, cơ sở y tế còn e ngại hoặc không có kinh nghiệm trong mua sắm, đấu thầu dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế.