Chiều 5/8, tại buổi họp báo Chính phủ, đại diện Bộ Công Thương được đề nghị thông tin về tiến độ phục hồi và tăng trưởng của ngành công nghiệp.
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, tình hình phục hồi công nghiệp trong 7 tháng đầu năm nay có rất nhiều điểm sáng, các chỉ số quan trọng đều tăng mạnh.
Cụ thể, tốc độ tăng sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 7 cao hơn tháng 6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2011. Chỉ số sản xuất công nghiệp sau 7 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 9,5%.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở 60 địa phương, 3 địa phương ghi nhận giảm. Một số địa phương có mức tăng trưởng cao như Khánh Hòa, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước như thép thanh, thép góc, thép cán, vải dệt từ sợi tự nhiên.
“Những kết quả tăng trưởng của công nghiệp đã phản ánh một bức tranh rất tích cực của nền sản xuất trong nước. Có thể thấy sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ so với năm 2023, đang có đà tiếp tục tăng trưởng tích cực”, bà Thắng nói.
Để đạt được kết quả trên có nguyên nhân từ các biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm.
Kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI khả quan giúp tăng thêm năng lực cho sản xuất trong nước. Các kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại về kinh tế, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Trung Quốc... giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Về thách thức trong thời gian tới, theo bà Thắng, nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng sẽ phải đối diện với việc nội lực của các ngành sản xuất vẫn còn yếu, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, việc sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện. Một số ngành sản xuất chủ lực vẫn giảm so với cùng kỳ như điện thoại thông minh, tivi, ô tô, sắt thép thô, bia hơi.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (giày dép, gỗ, điện thoại các loại và linh kiện…) mặc dù phục hồi tích cực song vẫn chưa về lại mức đỉnh của cùng kỳ năm 2022.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ, dài hạn và vững chắc mới có thể bảo đảm tăng trưởng ổn định, bền vững cho các ngành công nghiệp.
Thời gian tới, Bộ sẽ chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng; tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình làm việc với các địa phương.