Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ KHCN đưa ra trong buổi họp báo giới thiệu về Ngày hội Trí tuệ nhân tạo (AI4VN) sẽ được tổ chức vào 15-16/8 tới đây tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ KHCN cho biết, xu thế phát triển nhanh của trí tuệ nhân tạo trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều ứng dụng thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, Việt Nam đang đi sau các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc rất nhiều từ nghiên cứu cơ bản, cho đến các công nghệ lõi. “Các nhóm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo dù có đội ngũ chuyên gia, giảng viên, giáo sư… đông đảo nhưng vẫn còn rời rạc, chưa kết nối với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm có tác động đến toàn cầu”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ KHCN, cho đến nay, Việt Nam chưa có nhiều dữ liệu lớn của các lĩnh vực để có thể sử dụng cho nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo. Bởi vì, trong một thời gian dài, từ viện nghiên cứu cho đến cơ quan quản lý, công ty chưa quan tâm lưu trữ dữ liệu để từ đó số hoá, chuyển thành dữ liệu để trí tuệ nhân tạo học và ứng dụng.
“Chúng ta có nhiều mơ ước nhưng đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức vì không có nhiều chi phí để đầu tư chiến lược lớn về trí tuệ nhân tạo như Trung Quốc hay có nền tảng công nghệ tốt như các quốc gia đi đầu như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…”, Thứ trưởng Bộ KHCN nhấn mạnh.
Để giải bài toán này, Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy khẳng định, Việt Nam chỉ có thể phát triển trí tuệ nhân tạo nếu huy động được sức mạnh của từng con người, từng nhà nghiên cứu, từng chuyên viên, kỹ sư, lãnh đạo các tập đoàn để cùng chia sẻ thông tin, chia sẻ tri thức… “Chỉ khi đó, chúng ta mới kỳ vọng phát triển được trí tuệ nhân tạo nói riêng và các công nghệ trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 nói chung”, Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy nói.
Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy khẳng định, Việt Nam chỉ có thể phát triển trí tuệ nhân tạo nếu huy động được sức mạnh của từng con người, từng nhà nghiên cứu, từng chuyên viên, kỹ sư, lãnh đạo các tập đoàn để cùng chia sẻ thông tin, chia sẻ tri thức… |
Trên cơ sở đó, Bộ KHCN đã ban hành kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo với các nội dung như hình thành chiến lược, triển khai nghiên cứu, xây dựng dữ liệu lớn, hình thành thị trường và tổ chức sự kiện trí tuệ nhân tạo…
Chương trình Ngày hội Trí tuệ nhân tạo (AI4VN) được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những nền tảng, động lực thúc đẩy sự lan tỏa và phát triển các tài năng, tinh hoa AI tại Việt Nam thông qua kết nối các thành phần từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, startup cho đến cộng đồng AI.
Với chủ đề Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái Trí tuệ nhân tạo, chương trình AI4VN 2019 diễn ra theo mô hình mở, là nơi kết nối và tụ hội của các thành tố trong cộng đồng AI. Chương trình năm nay bao gồm nhiều hoạt động thuyết trình, thảo luận, workshop, triển lãm, biểu diễn công nghệ… dự kiến thu hút 2.000 người tham dự. Trong 2 ngày diễn ra chương trình sẽ có 6 bài tham luận trên sân khấu chính từ các diễn giả về AI, công nghệ và khởi nghiệp hàng đầu thế giới như Tiến sĩ Ulli Waltinger (Siemens), Peter Vesterbacka – Nhà đồng sáng lập game Angry Birds…
Các bài thuyết trình sẽ mang đến cho cộng đồng nghiên cứu và phát triển AI những xu hướng, báo cáo và hướng đi phát triển AI trong các ngành công nghiệp; bài học kinh nghiệm của các quốc gia trong phát triển hạ tầng kỹ thuật và hàm ý chính sách cho Việt Nam. Ngày hội AI4VN cũng có các hội thảo chuyên đề chia theo từng lĩnh vực như AI trong du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ tài chính....
Trên thế giới, theo nghiên cứu mới nhất của hãng tư vấn công nghệ Gartner, ngành công nghiệp AI toàn cầu năm 2018 có sự tăng trưởng đột phá (cao hơn 70%) so với năm 2017, đạt giá trị gần 1,2 nghìn tỷ USD. AI có khả năng trở thành công nghệ mang tính đột phá nhất trong 10 năm tới nhờ có những tiến bộ về công suất tính toán; sự nhảy vọt về khối lượng, tốc độ và sự đa dạng của dữ liệu.