Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân.

1eeb5a1db21717494e06.jpg
Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành bấm nút kích hoạt ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời cảm ơn, lòng tri ân sâu sắc tới các gia đình người có công với cách mạng.

Thủ tướng bày tỏ, hội nghị diễn ra trong sự tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, người luôn đặc biệt quan tâm đến công tác chăm lo, tri ân các thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Ngày 27/7 hằng năm trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của cả nước. Đây cũng là dịp để toàn dân, toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Phúc

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, cùng với sự phát triển của đất nước, cả nước càng phải ghi nhớ quá khứ hào hùng, luôn ý thức tri ân, quan tâm những người đã hy sinh xương máu cho đất nước.

Thủ tướng khẳng định, 77 năm qua, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không ngừng được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện bài bản, nghiêm túc. Đời sống của người có công và gia đình không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần.

Có tới 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc hơn mức sống chung tại khu vực sinh sống. Điều này cũng là một biểu hiện của việc thực hiện chủ trương như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh “không hy sinh môi trường, xã hội, công bằng xã hội vì sự phát triển kinh tế đơn thuần”.

img7168 1721708011571297500714.jpg
Các đại biểu người có công dự hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bấm nút kích hoạt ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân, Thủ tướng đề cập mục tiêu sớm hoàn thành giám định hơn 20.000 hài cốt liệt sĩ, phấn đấu xác định danh tính 60% liệt sĩ trong các nghĩa trang.

Thực tế cả nước còn khoảng 180.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, còn 300.000 hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang chưa xác định được danh tính. Việc hình thành ngân hàng gen với khoảng 600.000 mẫu giám định cả hài cốt liệt sĩ và thân nhân là để xác định danh tính của các mộ liệt sĩ còn khuyết danh.

Triển khai đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng.

Đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.

Trong tháng 7 truyền thống lịch sử này, Chủ tịch nước đã tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công, thân nhân của người có công với cách mạng.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 77 quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2,05 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng (tăng 35,7%).

Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ vừa qua, được dư luận xã hội và người có công, thân nhân hoan nghênh, ủng hộ.

người có công 3.jpeg
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao kết quả giám định gen, xác định danh tính hài cốt cho 10 gia đình liệt sĩ. Ảnh: Văn Phúc

Về hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2013-2020, với hơn 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương đảm bảo, cả nước đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cho 393.707 hộ người có công với cách mạng.

Đồng thời đang triển khai đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng giai đoạn đến năm 2025 với dự kiến trên 162.000 hộ, kinh phí  trên 7.000 tỷ đồng…

Tiến hành chuẩn hóa thông tin bia mộ liệt sĩ, 2 năm qua đã điều chỉnh 20.000 bia mộ đang ghi "liệt sĩ vô danh". Đến nay cả nước thống nhất ghi “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo quy định.

Qua 6 năm, ngành LĐ-TB&XH đã giải quyết được trên 7.000 hồ sơ, trong đó, trình Thủ tướng công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 có sự góp mặt của trên 400 đại biểu người có công với cách mạng đến từ khắp mọi miền đất nước. Trong đó, 13 đại biểu là lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 6 Mẹ Việt Nam anh hùng, 36 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, hơn 200 thương binh.

Trong số các đại biểu, có ông Lê Quang A, năm nay tròn 100 tuổi, 80 năm tuổi Đảng, đến từ Hà Tĩnh, là cán bộ tiền khởi nghĩa; Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thạnh (SN 1932, trú tại Bình Định) trong 2 cuộc kháng chiến đã mất đi chồng, con và chị gái.