Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu quan hệ hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới, tạo xung lực làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược và mở rộng hợp tác vì phát triển bền vững, cùng chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu, vì hòa bình hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tích cực trong những năm qua trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì trao đổi, tiếp xúc thường xuyên; hoạt động kinh tế thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại họp báo.

Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á.

Ngay trước và trong thời gian chuyến thăm, các cơ quan của hai nước đã hoàn tất thủ tục và ký 3 văn kiện hợp tác về quốc phòng, chuyển đổi năng lượng và lao động, đào tạo nghề, cho thấy quan hệ Đối tác chiến lược ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Trên tinh thần tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã rà soát toàn diện quan hệ hợp tác nhiều mặt, thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn để nâng cao hiệu quả hợp tác và mở rộng sang các lĩnh vực mới.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới đối mặt nhiều khó khăn, thời gian tới hai bên đã nhất trí phương hướng thúc đẩy hợp tác nhằm đẩy mạnh tin cậy chính trị, đóng góp cho phục hồi, phát triển kinh tế bền vững.

Việt Nam và Đức ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Ảnh: Bộ Quốc phòng

Hai bên đã nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, thúc đẩy giao lưu nhân dân hai nước mạnh mẽ hơn.

Thương mại - đầu tư tiếp tục là động lực quan trọng của quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục tận dụng đầy đủ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Việt Nam đề nghị Đức sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) để tạo điều kiện cho quan hệ kinh tế phát triển hơn nữa.

Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ Đức khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, hạ tầng chiến lược, công nghiệp sản xuất...

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp gỡ báo chí sau cuộc hội đàm thành công.

Về hợp tác phát triển, Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ của Đức thời gian qua đã đóng góp tích cực cho quá trình chuyển đổi, phát triển KTXH của Việt Nam, đề nghị Đức tiếp tục duy trì ODA và vốn vay ưu đãi, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đào tạo nghề, năng lượng tái tạo và y tế.

Việt Nam và Đức tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN - EU, ASEM, Liên Hợp Quốc..., tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Đức và Việt Nam có mối quan hệ trong nhiều thập kỷ, hợp tác chặt chẽ với nhau. Hiện nay có khoảng 180.000 người Việt Nam và người Đức gốc Việt đang sinh sống tại Đức.

Thủ tướng Đức cho biết, trong hội đàm hai bên đã trao đổi về những dự án quan trọng như trường Đại học Việt Đức tại Việt Nam, tuyến metro mới tại Hà Nội cùng một số dự án khác đang trong kế hoạch có sự tham gia của Đức.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Tình hình thế giới bất ổn, Thủ tướng Đức cho rằng hai nước phải mở rộng thị trường tiêu thụ, mở rộng các chuỗi cung ứng, nguồn cung cấp nguyên liệu và mở rộng các địa bàn sản xuất.

"Với nước Đức thì Việt Nam là một đối tác rất quan trọng của chúng tôi và quan trọng đối với doanh nghiệp của chúng tôi. Tôi muốn nói đến Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-EU có hiệu lực từ năm 2020, đây là cơ sở để hai nước hợp tác triển khai", Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định.

Để hợp tác hiệu quả hơn, Thủ tướng Đức cho rằng cần làm tốt 3 điều đó là, những doanh nghiệp của Đức cần điều kiện an toàn khi đầu tư vào Việt Nam; tất cả những thỏa thuận hai nước cần phải được thực hiện; hai nước cần hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực đào tạo nghề và trao đổi nhân lực chuyên môn.

Thủ tướng Đức bày tỏ vui mừng khi biết: "Có nhiều nhân lực Việt Nam hiện nay đang tìm kiếm một tương lai nghề nghiệp tại Đức. Hiện nay cơ quan lao động Đức đã đạt được thỏa thuận với cơ quan hữu quan của Việt Nam về vấn đề này".

Vấn đề trọng tâm khác trong hội đàm giữa hai Thủ tướng là bảo vệ môi trường và chuyển đổi năng lượng. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Thủ tướng Đức chia sẻ, Đức muốn hỗ trợ Việt Nam để giảm phát thải CO2.

Các chương trình đối thoại về năng lượng giữa Việt Nam và Đức đã được bắt đầu trong năm 2022; tạo cơ sở để hai nước trao đổi về cơ hội, thách thức.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức cho biết, Đức cũng ủng hộ Việt Nam trong các hoạt động của ASEAN, từ đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác giữa Đức và ASEAN. Ông bày tỏ kỳ vọng vào Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa EU và ASEAN sẽ tổ chức tại Brussel (Bỉ) vào tháng 12 tới.

"Hai nước đều có lợi khi chúng ta trao đổi cởi mở, thẳng thắn với nhau, người dân hai nước cũng đều có lợi khi quan hệ đối tác giữa hai nước tốt đẹp", Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh.