Phát biểu kết luận phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số vào sáng 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã quyết liệt thực hiện chuyển đổi số thời gian qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Phạm Hải

Theo người đứng đầu Chính phủ, công tác chuyển đổi số đã tiến thêm những bước quan trọng, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

“Phải ghi nhận những kết quả rất tích cực trong công tác chuyển đổi số thời gian qua, nhưng đây mới là kết quả bước đầu. Chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, nhiều việc phải làm phía trước, phải có quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, thiết thực, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Lưu ý một số quan điểm, định hướng lớn trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, tránh mọi tư duy “cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu”. Các bộ, ngành quản lý dữ liệu được phân công nhưng trên hết đó đều là tài sản quốc gia, tài sản này chỉ được làm giàu thêm khi được liên thông, chia sẻ, xác thực cùng nhau hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho nhân dân.

Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, sáng tạo; tổng kết, kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý, bài học hay, cách làm sáng tạo; chỉ rõ, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế.

Trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực chuyển đổi số và người dân, doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình này.

“Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn trước đây”, Thủ tướng yêu cầu huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Phạm Hải

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, việc chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, tổng thể nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”. Đi nhanh nhưng chắc chắn, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn và cần được thực hiện một cách thực chất để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, không cầu toàn, không nóng vội.

“Phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật; nói phải đi đôi với làm, "không đánh trống bỏ dùi". Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều, nhưng người dân sử dụng ít, hiệu quả không cao; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp”, Thủ tướng nhắn nhủ phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. 

Xây dựng chế độ cho đội ngũ làm chuyển đổi số, không để chảy máu chất xám

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị người đứng đầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai, truyền cảm hứng, tạo ra xu thế, thúc đẩy phong trào để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được phân công, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, vướng mắc phát sinh, không chậm trễ.

Cùng với đó, đẩy mạnh kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, hình thành hệ thống thông tin đồng bộ, nhất quán, chính xác.

Đồng thời, rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng; khẩn trương khắc phục những hạn chế bất cập về lỗ hổng bảo mật, lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các địa phương lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng hiệu quả; phân bổ nguồn lực cho việc phát triển và triển khai các nền tảng số; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, không để chảy máu chất xám hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước.

Thủ tướng cũng đặt ra hàng loạt nhiệm vụ với Bộ TT&TT, trong đó, các nhiệm vụ định lượng phải cân đong đo đếm được, phải luôn cập nhật kịp thời tiến độ, kết quả thực hiện trên nền tảng số.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Phạm Hải

Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 tới đây; chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án tăng cường, nâng cao năng lực tham mưu và tổ chức thực thi chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương…

Đồng thời, xây dựng, triển khai hệ thống phục vụ theo dõi, kiểm tra thực hiện chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm đầu tư tập trung, đúng mục tiêu, có hiệu quả; tuyên truyền Ngày Chuyển đổi số hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ của mình liên quan đến chuyển đổi số. Trong đó, Bộ Công an chủ trì tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030...

Thủ tướng cũng lưu ý, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó tập trung vào việc phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề chuyên về công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, chế độ cho đội ngũ làm nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó có vận dụng Nghị định 140/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua chuyển đổi số…

Tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số

Theo đánh giá của các ý kiến tại cuộc họp, việc chuyển đổi các hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển từ văn bản giấy sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu rất đáng trân trọng; nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực được đưa ra phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số. Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chuyển đổi số.

Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Bộ Công an đã tích cực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư; từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số.

Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm, các doanh nghiệp Việt Nam dần làm chủ hệ sinh thái an toàn thông tin mạng.

Nhân lực cho chuyển đổi số được chú trọng phát triển, đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương cũng đã bước đầu đạt kết quả tích cực, đã có 41/63 tỉnh, thành phố triển khai 36.300 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với gần 200.000 thành viên tham gia…