Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn

Ngày 19/8, Thủ tướng  Phạm Minh Chính tham dự hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Năm học 2023-2024 đánh dấu 10 năm ngành giáo dục thực hiện đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29. Thủ tướng nhận định toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực, đạt nhiều kết quả nổi bật; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tham mưu ban hành các nghị định, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục, đào tạo; tích cực hoàn thiện dự án luật Nhà giáo.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, chẳng hạn xây dựng các trường bán trú, nội trú để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường. Đây là chính sách nhân văn để học sinh vùng sâu, vùng xa có khả năng tiếp cận bình đẳng với giáo dục.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung 27.826 biên chế cho năm học 2023-2024. Trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tăng ở tất cả các cấp học.

Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được nâng lên, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định...

DSC_2294.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. (Ảnh: MOET)

Chính sách, chế độ đãi ngộ giáo viên còn bất cập

Một trong những vấn đề còn bất cập được Thủ tướng nêu ra là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chẳng hạn như: chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, đặc biệt chất lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu mới khi chuyển đổi số; vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ.

“Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn“, Thủ tướng nói.

Ngoài ra, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, vẫn còn tình trạng thiếu trường lớp, nhất là tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, tại một số địa phương vẫn còn tồn tại phòng học nhờ, phòng học mượn; nhiều cơ sở giáo dục thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu.

Chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao. Quy mô đào tạo trình độ đại học các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội, văn hóa, nghệ thuật… còn thấp.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập là do việc triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ chưa đáp ứng được yêu cầu ở một số nơi. Nhận thức về vai trò, ý nghĩa của đổi mới giáo dục chưa đầy đủ, sâu sắc ở một bộ phận cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lý và giáo viên.

Đồng thời trình độ, năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý và giáo viên còn hạn chế. Cơ chế, chính sách phát triển giáo dục còn bất cập, chưa được rà soát, sửa đổi kịp thời. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương chưa thực sự hiệu quả.

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 gọn nhẹ, giảm áp lực

Thủ tướng yêu cầu ngành Giáo dục thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó toàn ngành chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học 2024-2025 đặc biệt là nhiệm vụ quan trọng về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, ngành tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

Bộ GD-ĐT cần có sự tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Thu hút nguồn lực phát triển giáo dục

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư; đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học.

Bên cạnh đó, cần xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" và phù hợp thực tiễn.

"Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số", Thủ tướng chỉ đạo.

‘Khó tuyển giáo viên do lương quá thấp’Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho hay, hiện nay nhóm giáo viên các môn Tin học, tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc ở TPHCM rất khó tuyển dụng do lương quá thấp.