Với 120km đường bờ biển, Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển. Tỉnh có vị trí cửa ngõ thông thương ra biển của tuyến hành lang xuyên Á Đông – Tây qua Bắc Thái Lan – Nam Lào – Miền Trung Việt Nam, một cửa ngõ ra biển của khu vực Bắc Tây Nguyên; lợi thế kết nối, giao lưu kinh tế thương mại, hàng hải ba miền Bắc – Trung – Nam, kết nối hình thành vành đai kinh tế ven biển động lực phát triển Miền Trung. Vùng đầm phá Tam Giang là một đặc trưng của tỉnh, có tiềm năng to lớn về hải sản, hơn 500 loài cá trong đó 30 - 40 loài có giá trị kinh tế cao, năng suất khai thác bình quân gần 40.000 tấn/năm.

anh 1s.jpg
Kinh tế biển góp phần khai thác lợi thế phát triển du lịch và thủy sản.

Ở cấp độ hệ sinh thái, trên một diện tích không lớn, khoảng 7.000 ha, chỉ tính riêng phần dưới nước, khu vực này bao gồm năm hệ sinh thái là hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái vùng triều đá, hệ sinh thái vùng triều cát và hệ sinh thái rừng ngập mặn. Chính sự có mặt hệ sinh thái rạn san hô đã làm cho bức tranh đa dạng sinh học biển ở đây trở nên ấn tượng và đặc sắc. 

Trong những năm qua, kinh tế biển và đầm phá đang trở thành động lực phát triển của tỉnh, tạo diện mạo mới cho toàn vùng, góp phần khai thác lợi thế phát triển du lịch và thủy sản, giải quyết tình trạng chia cắt, cô lập trong mùa mưa bão, bảo đảm quốc phòng, an ninh . Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đặc biệt khởi công xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa biển Thuận An.

Bước đầu phát triển công nghiệp ở khu vực ven biển, đầm phá Phú Đa, Phú Lộc, Phong Điền. Đáng chú ý có thể kể đến Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô thu hút nhiều dự án lớn, có dự án hàng nghìn tỷ đồng.

Lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu có công suất lớn, trang bị máy móc, công nghệ khai thác hiện đại để vươn khơi xa, khai thác hiệu quả hơn.

Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của đội tàu dịch vụ hậu cần và tàu thu mua giúp cho đội tàu khai thác yên tâm bám biển dài ngày trên biển. Nuôi trồng chuyển đổi theo hướng ổn định diện tích, giảm mật độ nuôi, kết hợp xen, ghép, đa dạng đối tượng, nuôi các loài có giá trị cao từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật... hướng đến nuôi trồng bền vững. Tỉnh đã quy hoạch đưa 30 ha tại vùng cát ven biển huyện Phong Điền vào xây dựng nhóm trại sản xuất và dịch vụ cung ứng giống cho vùng nuôi trên cát; củng cố hệ thống trại sản xuất và dịch vụ giống tôm sú tại huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc; phát triển mạng lưới ươm giống tại các xã nuôi trồng thủy sản trọng điểm.

Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư xây dựng 1.064 ha diện tích nuôi tôm chân trắng thâm canh công nghiệp trên vùng cát ven biển; ổn định 1.091 ha nuôi chuyên tôm sú bán thâm canh vùng cao triều ven đầm phá; nuôi xen ghép 1.659 ha quảng canh cải tiến vùng hạ triều đầm phá, giảm 423 ha; phát triển 2.360 ha diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, tăng 525 ha; khai thác sử dụng 1.500 ha mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ tự nhiên để nuôi thủy sản.

Phát huy lợi thế của một tỉnh ven biển, Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế biển trong thời gian tới là phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái kết hợp với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch, dịch vụ biển, năng lượng tái tạo; gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, hình thành hệ thống khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa.

Đồng thời, đưa Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước, kinh tế biển ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh; phấn đấu đạt các chỉ tiêu về phát triển bền vững kinh tế biển theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa xã hội, phát triển con người của cộng đồng dân cư ven biển, đầm phá. Củng cố, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên vùng biển và khu vực ven biển của tỉnh”. Theo đó, Thừa Thiên Huế sẽ nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP; Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế biển giữ vai trò trọng yếu; Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quy định của Chính phủ.

Tiến Quang