Academy Day - cơ hội giao lưu khoa học và tìm kiếm hợp tác

Academy Day là sự kiện thường niên nằm trong khuôn khổ Dự án Lưới điện Thông minh cho Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (SGREEE) - dự án do Cục Điều tiết Điện lực/Bộ Công Thương và Tổ chức GIZ phối hợp thực hiện, và được Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) tài trợ. Năm nay, ban tổ chức đã hợp tác với Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) để tổ chức sự kiện vào ngày 23/12 theo hình thức trực tuyến, nhằm đẩy mạnh các lợi ích của việc nghiên cứu và ứng dụng lưới điện thông minh đối với Việt Nam.

{keywords}
 Phòng điều độ vận hành hệ thống điện Tổng công ty Điện lực Hà Nội. (Nguồn ảnh: GIZ)

Diễn giả của hội thảo là đại diện từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, các công ty trong nước và quốc tế, và các trường đại học. Đại biểu tham dự hội thảo đến từ các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện các miền, các Tổng công ty Điện lực, công ty phát điện, công ty điện lực, Hội Điện lực Việt Nam, công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện, các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học trong nước, các tổ chức quốc tế và các công ty tư nhân làm việc trong lĩnh vực năng lượng.

Hội thảo là cơ hội cho các trường đại học, viện nghiên cứu và công ty tư nhân trong nước và quốc tế trao đổi kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu, trình bày các kết quả nghiên cứu cũng như tìm hiểu các cơ hội hợp tác.

{keywords}
 Các đại biểu, diễn giả tham dự hội thảo Academy Day 2021 trực tuyến. (Nguồn ảnh: GIZ)

Tại hội thảo, các diễn giả đã giới thiệu về các hoạt động nghiên cứu lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Đức và Đan Mạch.

Các chủ đề chính được thảo luận gồm việc nghiên cứu về vận hành và quản lý hệ thống điện mặt trời mái nhà, máy biến áp phân phối điều chỉnh điện áp, giao thức của các trung tâm dữ liệu, và kinh nghiệm của Đan Mạch mà Việt Nam có thể học hỏi. Các phần thảo luận tập trung vào việc tạo một điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu lưới điện thông minh và cách thức để hỗ trợ các cơ quan quản lý có thể hiện đại hoá lưới điện khi càng ngày có nhiều nguồn năng lượng tái tạo được đấu nối vào lưới.

Gia tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo vào lưới điện

{keywords}
 Ông Trần Tuệ Quang – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, ông Markus Bissel – Giám đốc Dự án lưới điện thông minh của GIZ và ông Loui Algren – Chuyên gia của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch phát biểu khai mạc hội thảo Academy Day. (Nguồn ảnh: GIZ)

Ông Loui Algren - chuyên gia của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (Chương trình DEPP) cho biết: “Tôi rất vui mừng khi Đan Mạch tham gia hội thảo Academy Day năm nay. Hy vọng rằng sự đóng góp và chia sẻ từ Đan Mạch sẽ hỗ trợ để đưa ra các giải pháp giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050”.

Ông Markus Bissel - Giám đốc dự án SGREEE cho biết, dù Covid-19 nhưng sự kiện Academy Day vẫn được duy trì tổ chức hằng năm. Nhờ vậy, các chuyên gia và nhà nghiên cứu có thể thảo luận các nghiên cứu mới nhất về lưới điện thông minh, thúc đẩy các đổi mới và ứng dụng của chủ đề này tại Việt Nam. Sự kiện này cũng góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hoá lưới điện và phát triển Lộ trình Lưới điện thông minh của Việt Nam khi quốc gia này đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo vào lưới điện.

Ông Markus chia sẻ thêm: “Nằm ở hai quốc gia châu Âu láng giềng, Cơ quan DEA của Đan Mạch và Tổ chức GIZ của Đức đã và đang hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong các vấn đề về năng lượng trong thời gian qua. Do đó, thông qua sự hợp tác chặt chẽ trong sự kiện năm nay, cả hai tổ chức sẽ phối hợp sử dụng các nguồn tài chính trong lĩnh vực này một cách hiệu quả nhất”.

Lợi ích của lộ trình lưới điện thông minh

Công nghệ lưới điện thông minh không chỉ cho phép truyền tải điện mà còn tăng cường mức độ truyền tải thông tin và truyền thông trong hệ thống, giúp nâng cao độ tin cậy, bảo mật và hiệu quả của hệ thống điện. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 8/11/2012 phê duyệt Chiến lược Phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam (Lộ trình Lưới điện Thông minh) sau khi nhận thấy các lợi ích của việc nâng cấp hệ thống truyền tải điện quốc gia. Lộ trình này nhằm cải thiện chất lượng và độ tin cậy của nguồn cung cấp điện quốc gia và cải thiện hiệu quả sử dụng điện.

{keywords}
 Việc nghiên cứu và ứng dụng lưới điện thông minh sẽ góp phần giúp Việt Nam tối ưu nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện Quốc gia. (Nguồn ảnh: GIZ)

Để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, Tổ chức GIZ - dưới sự uỷ nhiệm của Chính phủ Đức – đã thực hiện dự án Lưới điện Thông minh cho Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (SGREEE) từ năm 2017. Trong khuôn khổ dự án, “Trung tâm Chia sẻ Kiến thức” http://smart-grid.vn/ đã được tạo lập. Đây là nền tảng mở đầu tiên của Việt Nam để chia sẻ các ý tưởng và giải pháp, sự phát triển và các tài liệu chính thức, kinh nghiệm liên quan đến ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh tại Việt Nam.

{keywords}
 Việc nghiên cứu và ứng dụng lưới điện thông minh sẽ góp phần giúp Việt Nam tối ưu nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện Quốc gia. (Nguồn ảnh: GIZ)

Bên cạnh đó, “Cộng đồng Lưới điện Thông minh Việt Nam” https://www.facebook.com/groups/smartgridvn cũng được tạo lập trên Facebook với hơn 850 thành viên, để các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn của họ về các giải pháp lưới điện thông minh, các ứng dụng và xu hướng trong nước và trên toàn thế giới.

Lệ Thanh