Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long và đặc sản Cà Mau đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 11/12/2023. Tại Hội nghị, Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: Cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 10.881 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.  Đã có 5.610 chủ thể tham gia chương trình OCOP, trong đó có 37,9% là HTX, 24% là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

W-ti234u-thu-san-pham-ocop.jpg
Hiện sản phẩm OCOP từng bước hình thành chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân và HTX, giữa HTX và các siêu thị, doanh nghiệp.

Để quảng bá giới thiệu tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua các địa phương đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP bằng việc tăng cường hỗ trợ khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể để. Bên cạnh đó hỗ trợ các cửa hàng chuyên biệt giới thiệu sản phẩm OCOP; Hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và mua, bán OCOP để vào hệ thống các siêu thị Aeon, Central Retail…; các chuỗi (Bác Tôm, BigGreen…); điểm giới thiệu OCOP tại các điểm dừng chân (Thái Nguyên, Ninh Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang…); 

Hàng năm, các địa phương xây dựng kế hoạch và hỗ trợ cho các chủ thể tham gia các Hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối... tổ chức trong nước và ở nước ngoài. Nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động/sự kiện/lễ hội văn hóa - du lịch (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng,…). Hỗ trợ các chủ thể tham gia thương mại điện tử, phiên chợ OCOP…

Theo ông Tiến, hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu; sản phẩm thiếu đồng nhất; số cơ sở sản xuất nông nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, mã số mã vạch còn ít. Do vậy việc hỗ trợ tiêu thụ vào các hệ thống phân phối hiện đại trong nước cũng như xúc tiến xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ số và kết nối giao thương trực tuyến, bán hàng qua sàn thương mại điện tử của các chủ thể OCOP chưa chuyên nghiệp, việc nắm bắt cơ hội thị trường bán lẻ trực tuyến còn hạn chế; chưa đáp ứng được yêu cầu về sản lượng hàng hóa của các hệ thống phân phối cho nên chưa được tiêu thụ nhiều trong hệ thống các siêu thị, hệ thống phân phối lớn.

Hiện sản phẩm OCOP của vùng từng bước hình thành chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân và HTX, giữa HTX và các siêu thị, doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, các giải pháp cho hoạt động xúc tiến thương mại theo ông Tiến cần tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia và chủ trì tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương trong nước và quốc tế… để quảng bá, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm OCOP của các tỉnh: Không gian OCOP tại Thái Lan, Italia; Tổ chức nhiều hoạt động để kết nối chặt chẽ với các hệ thống phân phối lớn như siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại các thành phố lớn giúp tăng cường quảng bá cho sản phẩm OCOP thông qua sự hiện diện trên hệ thống quầy kệ siêu thị.

Bên cạnh đó là xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP gắn với sự kiện văn hoá, du lịch; Kết nối đưa sản phẩm OCOP vào chuỗi cung ứng thực phẩm, quà tặng ngoại giao; Kết nối đưa sản phẩm OCOP vào chuỗi cung ứng thực phẩm tại các trường học, khu công nghiệp tạo một kênh đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP; Xây dựng các gói quà tặng OCOP đặc trưng của mỗi địa phương để làm quà tặng ngoại giao cho các cơ quan nhà nước ở địa phương, các doanh nghiệp. Đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy chuyển đổi, đưa sản phẩm OCOP lên các kênh thương mại điện tử bao gồm cả sản thương mại và mạng xã hội.

Mỹ Hoà và nhóm PV, BTV