Tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các ban ngành, đoàn thể, toàn xã hội.

Triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới năm 2006, Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình và đề án cụ thể về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ. 

Ảnh minh họa

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV đạt 30,26%, cao hơn khóa XIV 3,46% và cao nhất từ Quốc hội Khóa V trở lại đây (hiện xếp hạng thứ 62/190 quốc gia); tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 48,3%. Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa chỉ số tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9 trong số 58 nước; xếp thứ 2 trong số 6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu.

Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Mặc dù vậy theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới.

Sự biến đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế - xã hội, nhất là sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra cho phụ nữ thế giới và Việt Nam những khó khăn, thách thức mới.

Vì vậy, cần đẩy mạnh việc trao quyền để phụ nữ tham gia đầy đủ vào tất cả các lĩnh vực và ở tất cả các cấp độ của hoạt động kinh tế - xã hội nhằm thiết lập các quan hệ xã hội bền vững và công bằng hơn. Có thể gợi mở một số giải pháp sau để nâng cao hiệu quả việc trao quyền cho phụ nữ ở nước ta hiện nay:

Một là, cần tăng cường tuyên truyền rộng rãi về pháp luật bình đẳng giới nới chung; về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ nói riêng để mọi người hiểu rõ đây là những vấn đề thiết thực, nếu hiểu đúng và thực hiện tốt thì có lợi cho gia đình, xã hội và đất nước.

Hai là, cần có những chính sách riêng về vấn đề tham chính của phụ nữ. Thời gian qua, tỷ lệ phụ nữ tham chính ở nước ta đã tăng lên so với những năm trước, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. Do đó, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, công chức nữ trước và sau các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Có chính sách riêng cho phụ nữ - không phải là ưu tiên, mà là phải chú trọng đến chức năng giới tính để thực hiện bình đẳng giới một cách hiệu quả.

Ba là, đưa chính sách bình đẳng giới vào trong gia đình và xã hội bằng cách khuyến khích nam giới chia sẻ việc nhà với phụ nữ và khuyến khích phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị. Xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi ngược đãi, xâm phạm nhân phẩm và tính mạng phụ nữ và trẻ em như: bạo lực, hành hạ, ngược đãi, xâm hại tình dục… trong gia đình và xã hội.

Suy cho cùng, để hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ, trẻ em gái được đối xử công bằng và được trao quyền, cơ hội phát triển như nam giới, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện mạnh mẽ các chính sách kinh tế - xã hội nhằm vào việc cải thiện vấn đề bình đẳng giới, nâng cao địa vị phụ nữ trong xã hội, từng bước khắc phục tư tưởng "trọng nam khinh nữ".

Đồng thời cần xây dựng và ban hành hệ thống an sinh xã hội, đề án phúc lợi kinh tế chú trọng đến phụ nữ và trẻ em gái; tăng cường truyền thông, giáo dục về giới, bình đẳng giới với nội dung, hình thức thích hợp ngay từ sớm nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện bình đẳng giới cho thế hệ trẻ.

Văn Thường và nhóm PV, BTV