Bố tôi bị ung thư phổi và có chỉ định phẫu thuật nhưng gia đình chần chừ vì sợ "đụng dao kéo" khiến bệnh càng tiến triển nhanh. Xin bác sĩ cho biết điều này có đúng không?
Độc giả Lê Anh (Vĩnh Phúc).
TS.BS Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tư vấn:
Quan niệm đó không hoàn toàn sai, ít nhất là trong điều kiện khám chữa bệnh ung thư cách đây hàng chục năm.
Thời điểm đó, tất cả đều thiếu dẫn tới việc điều trị không tốt. Ví dụ, chẩn đoán trước mổ không xác định được giai đoạn; mổ nhưng bệnh xử lý được khối u khiến bệnh nhân suy yếu. Bệnh nhân mổ xong không được theo dõi, không được điều trị, bệnh tái phát không biết. Do đó, bệnh nhân hay nói "mổ hay không mổ cũng giống nhau, nhiều khi lại chết nhanh hơn".
Chúng ta có thể hình dung ung thư như một "túi cát". Khi "cát" vẫn còn nằm gọn trong "túi”, cuộc mổ giống như ta nhấc "túi" đó vứt đi và phòng hết cát.
Khi "túi cát" nhiều quá, trào ra bên ngoài, tùy từng giai đoạn y học sẽ phải can thiệp theo những cách thức khác nhau. Việc "nhấc" túi cát vẫn là tốt, nhưng sau đó phải "quét" nhà (tức là dùng hóa chất hay xạ trị) mới sạch.
Nhưng đến giai đoạn "cát" đã bị một cơn gió thổi tung ra khắp phòng rồi, việc nhấc "túi cát" không có ý nghĩa gì, bởi vì ung thư khi ấy giống như một "hạt cát" mà chỉ cần rơi ra sẽ bay khắp nơi và phát triển thành một "túi cát" nữa.
Trước đây, chúng ta không biết được khối ung thư còn nằm gọn trong "túi", hoặc mới tràn ra một ít hay đã đi tới tận đâu rồi, nên nhiều khi mổ không đúng giai đoạn.
Mặt khác, những phương thức điều trị bổ trợ khi ấy chưa đầy đủ. Hiện nay, ngoài chuyện "nhấc" đi, "quét" còn có "máy hút bụi" hút khắp phòng. "Máy hút bụi" ở đây chính là hệ thống điều trị miễn dịch, tăng cường sức khỏe của bệnh nhân.
Phẫu thuật là phương pháp triệt để nhất cho phép lấy toàn bộ khối lượng tế bào ung thư lớn nhất và nhanh nhất, cùng một lúc. Nếu ở trong giai đoạn còn khu trú đây là phương pháp tối ưu. Vì vậy, khi có chỉ định mổ nghĩa là bác sĩ đã cân nhắc và xác định giai đoạn này, việc phẫu thuật còn có ích.
Phẫu thuật trong điều trị ung thư phổi hiện nay có nhiều tiến bộ so với trước kia, đặc biệt là những kỹ thuật xâm lấn tối thiểu và các kỹ thuật hỗ trợ giảm đau, phục hồi chức năng sau mổ. Trước năm 2010, phần lớn phẫu thuật bằng mổ mở với đường rạch dài trên 10 cm kèm theo banh rộng xương sườn. Do vậy, bệnh nhân sau mổ đau nhiều và sự hồi phục về hô hấp kém.
Hiện nay, bác sĩ có nhiều lựa chọn về kỹ thuật như mổ mở với đường mở ngực nhỏ, phẫu thuật nội soi một lỗ, phẫu thuật nội soi nhiều lỗ và thậm chí là phẫu thuật với sự hỗ trợ của rô-bốt.
Do đó, chúng ta không nên sợ một cách vô lý là "đụng dao kéo" ung thư phát triển nhanh. Điều đó là không đúng với những trường hợp mổ đúng chỉ định.
Bệnh nhân cần hiểu rất rõ ung thư không phải là vô phương cứu chữa mà là bệnh nên điều trị càng sớm càng tốt. Khi còn ở giai đoạn có thể chỉ định mổ, phẫu thuật là phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân ở giai đoạn đó.