Các nhà nghiên cứu vừa cho trình làng một loại thuốc tiêm mới, có tác dụng làm phát sáng những tế bào ung thư, giúp các chuyên gia phẫu thuật tìm kiếm và loại bỏ khối u nhanh chóng.
Trong các thử nghiệm trên người, thuốc tiêm LUMO15 đã khiến toàn bộ mô ung thư phát sáng. Ảnh: CCTV |
Các bác sĩ hiện phụ thuộc vào kỹ thuật chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp để dẫn đường cho họ khi tiến hành loại bỏ khối u và mô xung quanh. Song, trong nhiều trường hợp, một số mô ung thư không bị phát hiện và vẫn còn trong cơ thể bệnh nhân.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia đến từ Trung tâm Y tế thuộc Đại học Duke (Mỹ), chất tiêm mới - một dung dịch màu xanh dương có tên gọi LUMO15, giúp các bác sĩ phẫu thuật nhận diện toàn bộ mô ung thư bằng cách khiến các tế bào bất thường phát huỳnh quang. Khám phá này có thể giúp bệnh nhân tránh phải trải qua ca phẫu thuật thứ hai để loại bỏ bất kỳ mô ung thư còn lại nào.
Tiến sĩ David Kirsch, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích: "Vào thời điểm phẫu thuật, một nhà nghiên cứu bệnh học có thể kiểm tra mô để tìm kiếm các tế bào ung thư ở rìa khối u thông qua sử dụng một kính hiển vi. Song, vì kích cỡ của ung thư, việc xem xét lại toàn bộ bề mặt trong khi phẫu thuật là không thể. Mục tiêu của chusngt ôi là mang tới cho các nhà phẫu thuật một công nghệ thiết thực và nhanh chóng, giúp họ quét nền khối u trong lúc phẫu thuật để tìm kiếm bất kỳ tế bào phát huỳnh quang nào còn sót lại".
Trên khắp thế giới, các nhà khoa học từ lâu đã theo đuổi những kỹ thuật giúp bác sĩ phẫu thuật quan sát rõ hơn về ung thư. Một số nhà nghiên cứu cũng từng sử dụng các cơ chế tương tự như LUMO15, vốn được kích hoạt bằng các enzym.
Tuy nhiên, thuốc tiêm mới của các nhà khoa học Duke là chất kích hoạt enzym phục vụ chẩn đoán ung thư bằng hình ảnh đầu tiên từng được thử nghiệm an toàn ở người.
Cụ thể là, khi cho tiêm thử nghiệm LUMO15 trên 15 bệnh nhân đang trải qua phẫu thuật ung thư vú hoặc bướu thịt mô mềm, thuốc đã giúp họ phát hiện toàn bộ các tế bào ung thư mà không gây tác dụng phụ bất lợi.
Nhóm nghiên cứu cho biết thêm rằng, khi tiêm vào cơ thể, LUMO15 tích tụ trong các khối u, tạo sự phát huỳnh quang trong mô khối u, khiến mô sáng hơn gấp 5 lần mô thông thường. Dẫu vậy, các tín hiệu này không rõ thấy trước mắt thường, mà cần phải được phát hiện thông qua một thiết bị chẩn đoán hình ảnh cầm tay có trang bị một camera cực nhạy.
Mức độ an toàn và tính hiệu quả của LUMO15 cùng thiết bị chẩn đoán hình ảnh kèm theo hiện đang được các nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện đa khoa Massachusetts xem xét, đánh giá thông qua ứng dụng phẫu thuật cho 50 phụ nữ bị ung thư vú. Sau khi nghiên cứu này hoàn tất, LUMO15 có thể sẽ tiếp tục trải qua quá trình thẩm tra của các cơ quan, tổ chức y tế khác trước khi chính thức được lưu hành rộng rãi trên thị trường.
Tuấn Anh (Theo Health News, Daily Mail)