- Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân phát triển kinh tế - xã hội là một chức năng cơ bản của Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa thể hiện sâu sắc bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, vừa cho thấy ý thức, trách nhiệm chính trị của Quân đội trong việc quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.

LTS: Vừa qua, sau những tranh luận về hình ảnh trái ngược của sân golf Tân Sơn Nhất thoáng rộng nằm ngay cạnh sân bay Tân Sơn Nhất chật chội, nhiều ý kiến trong dư luận xã hội băn khoăn về chức năng làm kinh tế của Quân đội. 

Để góp cái nhìn toàn diện, đúng đắn về vấn đề này, Tuanvietnam xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết của Thượng tướng Trần Đơn, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Thường vụ Quân uỷ Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội.

Quân đội ta là quân đội cách mạng, “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ. Chức năng cơ bản đó của Quân đội nhân dân Việt Nam được xác lập quy định ngay từ ngày đầu thành lập và được khẳng định, phát huy trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu, trưởng thành hơn 70 năm qua.

Bởi vậy, dù ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, Quân đội ta luôn chủ động, tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bằng hình thức, biện pháp phù hợp, đúng định hướng của Đảng. Qua đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mặc dù chiến tranh ác liệt, nhưng Quân đội ta luôn nêu cao tinh thần tự lực tự cường, tích cực tăng gia, sản xuất cải thiện đời sống bộ đội; tham gia sản xuất xây dựng hậu phương lớn miền Bắc, xây dựng căn cứ hậu cần tại chỗ trên các vùng chiến lược, thực hiện tốt chủ trương, đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam” của Đảng. 

{keywords}
Thượng tướng Trần Đơn trong chuyến khảo sát 21ha đất quốc phòng chuẩn bị bàn giao mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tháng 8/2016 (ảnh: theo Zing)

Sau khi đất nước thống nhất, Quân đội là lực lượng xung kích, nòng cốt, tham gia đắc lực vào hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (Sau năm 1975, Quân đội đã chuyển 28 vạn cán bộ, chiến sĩ sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế ).

Trước nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, những năm gần đây, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt, cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược và đường lối của Đảng, ban hành nhiều nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Trọng tâm là Nghị quyết số 71/ĐUQSTW, ngày 25-4-2002 “Về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới - tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội”; Nghị quyết số 520-NQ/QUTW, ngày 25-9-2012 về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”; Thông tư số 69/2017/TT-BQP ngày 03-4-2017 của Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế quản lý hoạt động SXXD kinh tế của Quân đội.

Trên cơ sở đó, nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và có bước phát triển toàn diện, đạt kết quả quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Nổi bật là, Quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng căn cứ cách mạng.

Đến nay, Quân đội đã xây dựng 26 khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Các đoàn kinh tế - quốc phòng đã phối hợp với địa phương xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, tổ chức quy hoạch, bố trí lại dân cư, tạo việc làm, điều kiện bền vững cho hàng trăm nghìn hộ dân định cư lâu dài, hình thành hàng trăm điểm, cụm dân cư tập trung trên vành đai biên giới, địa bàn xung yếu, tạo thế bố trí chiến lược mới trên các địa bàn, hướng chiến lược.

Đồng thời, tích cực hỗ trợ, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, kết hợp thực hiện công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị , v.v. Các khu kinh tế - quốc phòng thực sự là nhân tố quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước.

Các doanh nghiệp Quân đội - lực lượng chủ yếu trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội, đã không ngừng đổi mới, phát triển, hội nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp Quân đội đã chủ động vượt khó vươn lên, hoạt động theo đúng pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng, sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng cao phục vụ quốc phòng và xã hội, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động.

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp Quân đội có thương hiệu, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và là lực lượng dự bị mạnh cho quốc phòng; là đối tác kinh tế quốc tế có uy tín, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế.

{keywords}
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn khảo sát 21ha đất quốc phòng để bàn giao làm sân đỗ lưỡng dụng (ảnh: theo Tuoitre)


Chỉ tính riêng năm 2016, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Quân đội đạt gần 350 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 43 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 40 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp Quân đội đã và đang khẳng định rõ vị thế trong nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, các đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp công lập cũng tích cực phát huy nội lực, đẩy mạnh tăng gia, sản xuất và làm một số dịch vụ theo quy định.

Qua đó, tạo nguồn thu trực tiếp cải thiện đời sống bộ đội và tham gia có hiệu quả vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đóng quân, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo, v.v.

Thực tiễn hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội và những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc huy động Quân đội tham gia xây dựng kinh tế; cho thấy Quân đội ta luôn quán triệt, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, vừa làm tròn vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa tham gia tích cực, có hiệu quả vào công cuộc đó. Mặc dù còn những khuyết điểm, thiếu sót, song với những kết quả quan trọng đạt được trên “mặt trận lao động sản xuất” những năm qua cho thấy, Quân đội đã thực sự trở thành một nguồn lực của đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là lực lượng nòng cốt giải quyết các vấn đề khó khăn về quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội trên các địa bàn chiến lược, nơi biên giới, hải đảo, vùng biển đặc quyền kinh tế của Tổ quốc.

Thông qua sản xuất, xây dựng kinh tế, Quân đội đã góp phần điều chỉnh lại lực lượng sản xuất trên các vùng, miền, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu quốc phòng, tạo nên thế trận kinh tế - quốc phòng vững mạnh trên các địa bàn chiến lược, nơi phên giậu của đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; tạo ra nguồn của cải vật chất đáng kể cho xã hội, nguồn thu bổ sung cho ngân sách quốc phòng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tăng cường nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, tạo ra điều kiện vật chất, kỹ thuật, công nghệ cho xây dựng lực lượng, thế trận, tiềm lực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, v.v.

Trong những năm tới, nước ta tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng; nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đứng trước những thuận lợi và cơ hội to lớn, song cũng có không ít khó khăn, thách thức. Để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới, đòi hỏi Quân đội cùng với tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực, sức mạnh của đất nước.

Thực hiện mục tiêu đó, toàn quân tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 520-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương; chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng và yêu cầu của nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế trong giai đoạn hiện nay, thấy rõ vai trò nòng cốt của Quân đội trong việc tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Toàn quân phải thống nhất nhận thức: tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một chức năng cơ bản, nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, thể hiện bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, là sự tiếp nối, phát huy tư tưởng, truyền thống quý báu “Ngụ binh ư nông”, “Tịnh vi nông, động vi binh” của dân tộc trong thời kỳ mới.

Cùng với đó, chủ động, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch về vấn đề này, nhằm hạ thấp uy tín của Quân đội, chia rẽ Quân đội và nhân dân, làm phai mờ bản chất cách mạng của Quân đội, cổ súy cho việc xây dựng quân đội theo kiểu quân đội nhà nghề của các nước phương Tây.

Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội tiếp tục nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đưa hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội đi vào chiều sâu.

Trong quá trình thực hiện, tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, “kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội” ; chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng; lấy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh là mục tiêu hàng đầu; đồng thời, coi trọng bảo vệ tài nguyên, môi trường, thực hiện phát triển bền vững và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Thời gian tới, Bộ Quốc phòng chỉ đạo kiện toàn tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế; nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội, tạo bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Trước hết, tiếp tục tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng theo Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển các khu kinh tế - quốc phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; ưu tiên xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên hướng biển, đảo; tiến hành tổ chức lại mô hình sản xuất tại các khu kinh tế - quốc phòng,... quyết tâm xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng thành những điểm sáng về kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược biên giới, biển, đảo.

Cùng với đó, Quân đội tiếp tục đẩy mạnh tham gia phát triển kinh tế biển cả về quy mô và hình thức, tập trung vào một số ngành nghề có hiệu quả, mang tính lưỡng dụng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển và ven biển để làm chỗ dựa tin cậy cho ngư dân và các lực lượng khác phát triển kinh tế biển.

Đặc biệt, toàn quân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 425-NQ/QUTW, ngày 18-5-2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội (khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và quyết tâm chính trị cao, đảm bảo đạt mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.

Thông qua đó, nâng cao năng lực, sức canh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giữ vững thương hiệu doanh nghiệp Quân đội, kịp thời khắc phục triệt để những tồn tại, thiếu sót, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển.

Các đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp công lập phát huy thế mạnh, tận dụng năng lực dôi dư để tổ chức sản xuất, xây dựng kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể, nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và người lao động, tăng cường nguồn lực quốc phòng.

Các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng về quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế, đảm bảo quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, toàn quân, trước hết là các doanh nghiệp tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại và đầu tư, tập trung vào những lĩnh vực mà Quân đội có thế mạnh, góp phần đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và phát huy những kinh nghiệm, kết quả đạt được, toàn quân tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, xứng đáng là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” trong thời kỳ mới. Qua đó, làm sâu sắc thêm bản chất cách mạng, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, thiết thực góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tướng Trần Đơn