Vùng Tây Nam bộ của nước ta là một vịnh lớn của biển Thái Bình Dương, rộng khoảng 400.000km2, trầm tích sông Mekong mới chỉ bồi lấn kiến tạo đất liền gần 40.000km2, còn không gian biển đảo rộng 360.000km2. Vùng ven biển và hải đảo có nhiều danh lam thắng cảnh, với nhiều khu du lịch nổi tiếng như Hòn Chồng, Hà Tiên, Phú Quốc… Tầm nhìn xa về kinh tế biển Tây Nam chính là phát triển du lịch sinh thái biển – đảo.
Sau một thời gian nghiên cứu về vùng biển đảo Tây Nam bộ, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Xây dựng gồm Tiến sĩ Nguyễn Việt Huy và Thạc sĩ Đỗ Đình Trọng nhận thấy, “lâu nay, tiềm năng du lịch ven biển các tỉnh thành phía Tây Nam vẫn chưa được đánh thức hoặc có khai thác nhưng chưa hiệu quả”.
Số lượng du khách đến với các tỉnh này còn thấp so với các tỉnh thành khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực biển Tây Nam bộ chỉ chiếm 7,6% tổng số lượt khách quốc tế, 12,4% tổng số lượt khách nội địa, chiếm 5,2% tổng thu nhập du lịch, 9,2% tổng số buồng lưu trú và 6,3% số lao động trực tiếp trong ngành du lịch của toàn vùng ven biển cả nước.
Những hạn chế được nhận diện gồm: Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, nhàm chán, chủ yếu dựa vào tài nguyên có sẵn, chưa có sự đầu tư chiều sâu, thiếu sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, tính địa phương cao. Hệ thống dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, thiếu tính liên kết, đồng bộ.
Cùng với đó là sự hạn chế về giao thông kết nối. Hệ thống giao thông vận tải kết nối đến các sản phẩm du lịch của mỗi địa phương còn hạn chế. Nhiều địa phương trong tiểu vùng chưa có sân bay, nhà ga, cũng không có đường sắt, hệ thống đường thủy khai thác không hiệu quả. Hệ thống cơ sở lưu trú chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu.
Chưa có sự liên kết giữa các địa phương trong khai thác tài nguyên kinh tế biển, quảng bá dịch vụ và sản phẩm du lịch biển. Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được chú trọng đúng mức, thiếu sự kết hợp trong quản lý hoạt động du lịch giữa các tỉnh thành trong vùng để tạo ra sự thống nhất và hỗ trợ lẫn nhau trong việc thiết kế tour, tuyến hấp dẫn du khách.
Trong khi đó, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, chưa chuyên nghiệp, phần lớn chưa được đào tạo bài bản.
“Muốn hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch biển đảo khu vực Tây Nam bộ phát triển ngang tầm khu vực hiện đại, thực sự là “Điểm đến du lịch An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”, đòi hỏi phải có những giải pháp sáng tạo, đổi mới hơn trong việc hoạch định chính sách phát triển phù hợp với tình hình thực tế”, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.
Một số giải pháp cụ thể cũng đã được nhóm nghiên cứu đề xuất.
Trước hết, để phát triển du lịch bền vững cho khu vực biển đảo miền Tây Nam bộ, cần có biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác hại của thiên tai và biến đổi môi trường để có thể ổn định phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và kinh tế du lịch. Cần quy hoạch xây dựng dựa trên quy hoạch tích hợp nhằm phát huy tiềm năng tự nhiên – xã hội của khu vực Tây Nam bộ và thích ứng biến đổi khí hậu. Khai thác hợp lý và có giải pháp quản lý sử dụng nguồn nước ngọt, bảo vệ vùng đất ven bờ, cửa biển, cửa sông.
Với cảnh quan đảo và thiên nhiên hoang sơ, cần định hướng quy hoạch để xây dựng đô thị nghỉ dưỡng cao cấp, kết hợp các loại hình du lịch thể thao biển, không chỉ thu hút thêm nhiều lượt du khách mà còn tăng thời gian lưu trú của du khách.
Liên kết giữa các điểm du lịch trong khu vực cũng cần triển khai một cách chặt chẽ, đồng bộ cả về đường thủy, đường bộ và đường hàng không. Ví dụ như cụm quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải) kết nối với quần đảo Thổ Chu và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, tạo nên trục “tam giác” du lịch hấp dẫn ở giữa biển Tây Nam bộ.