Gần đây, thỉnh thoảng trên báo chí lại xuất hiện thông tin ủy ban địa phương này nợ “cắm quán” cả tỷ đồng, văn phòng hội đồng nhân dân tỉnh kia chi tiếp khách vài tỷ đồng v.v…
Chắc chắn, đó chỉ là con số lẻ tẻ. Nếu tổng kiểm tra, rà soát, thống kê ở tất cả các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cơ sở thì còn rất nhiều nơi “thụt két” vì tiếp khách, thậm chí có cơ quan mất khả năng thanh toán, phải “cầu cứu” cấp trên. “Thụt két” ở đây loại bỏ yếu tố tham nhũng, tiêu cực mà đơn thuần chỉ vì tiếp khách.
Tại anh, tại ả...
Nguyên nhân có nhiều, nhưng gom lại cũng là “tại anh, tại ả, tại cả ba bên”.
Trước hết, nguồn gốc sâu xa xuất phát từ truyền thống “hiếu khách” của người Việt Nam. Một quan niệm rất phổ biến của nhiều cán bộ lãnh đạo cơ quan, tổ chức là coi cơ quan, tổ chức mình như một… gia đình vậy. Có khách từ xa đến bắt buộc phải tiếp đón đàng hoàng, chu đáo, tử tế kẻo mang tiếng.
Vả lại khách toàn là từ các bộ, ban, ngành, đoàn thể, xuống đã là niềm “vinh dự” rồi. Không ít các đoàn khách là “đồng chí, đồng nghiệp” từ nhiều tỉnh trong cả nước “ghé qua” hoặc “giao lưu”, “trao đổi kinh nghiệm công tác” chả nhẽ mặt mũi nào lại “đè cổ” cấp trên, chiến hữu ra mà thu tiền?
Khổ nhất là một số tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh, ven biển, tiện đường quốc lộ. Vì có không ít đoàn khách trên đường đi công tác, cán bộ lãnh đạo thân quen nhau, gọi điện bảo “ghé qua” một tý. Thế là chủ nhà cấp dưới phải cuống cuồng lo ăn, lo nghỉ, thậm chí quà cáp, đặc sản quê hương cho cấp trên. Chỉ cần mỗi năm có vài chục đoàn tiện thể “ghé qua” như thế là chủ nhà lo đến “sốt vó”, trang trải tiếp khách đột xuất.
Khổ nỗi, chính vì mến khách rồi thói quen bao cấp đã ngấm vào máu lâu ngày, chủ nhà thường không chỉ “bao” tiền ăn uống mà cả tiền ngủ, thậm chí cả tiền mua vé tham quan, du lịch, tắm khoáng, tắm bùn… Đó là những đoàn khách bình thường, còn với các khách “VIP”, chủ nhà lại càng “không nỡ”.
Nhà khách hoặc khách sạn của các địa phương thường chỉ được các cơ quan, đơn vị, tổ chức “báo nợ” trước khi khách rời đi. Chả nơi nào nỡ trưng cái biển “ăn nghỉ phải thanh toán tiền” trước quầy lễ tân hay nhắc khách thanh toán các khoản khi trả phòng.
Ảnh minh họa |
Cứ như thế, ghi nợ, chồng ghi nợ. Bí quá thì báo cáo cấp trên hay “đi xin” các nhà tài trợ. Nếu không có “quỹ đen” tập thể, với những kiểu tiếp khách đại loại như trên thì ở đâu không “thụt két” mới là điều lạ.
Cán bộ, công chức nhà nước khi đi công tác đều có tiền thuê phòng ngủ, tiền lưu trú, tiền tàu xe... theo quy định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, tâm lý chung của không ít người là khi không thấy “chủ nhà” yêu cầu thanh toán tiền ăn, nghỉ thì cũng “lờ” luôn.
Nếu có địa phương, đơn vị nào yêu cầu đoàn công tác thanh toán tiền ăn nghỉ, các sếp lại khó chịu. Khi có điều kiện, gặp lãnh đạo địa phương hoặc tiện điện thoại hỏi han gì đó lại kèm theo một câu tránh “Chúng tôi đến là vì địa phương, ấy vậy mà “các bố” lại đè cổ ra thu “mấy đồng công tác còm” thì làm sao thu hút được người ta đến mà đầu tư”.
Lãnh đạo các địa phương thu tiền ăn nghỉ của khách, khi về họp ở trung ương, nhìn thấy khách bị thu tiền cũng ngượng, thậm chi phải né mặt, cho dù cấp dưới của mình làm đúng quy định của chính sách.
Bên thứ ba ít nhiều liên quan đến “hai bên” ở trên là “ông” chế độ chính sách. Chế độ công tác phí, hội nghị, hội thảo so với giá trị trường hiện nay là bất cập. Trừ tiền nghỉ, với tiêu chuẩn lưu trú trung bình là từ 150 - 200 nghìn đồng/người/ ngày là quá eo hẹp so với thời giá. Do vậy, khi tổ chức hội nghị, hội thảo người ta có kê khai tăng số lượng đại biểu tham dự, thời gian làm việc, cũng như việc sàng sê kinh phí tiếp khách thì những người thanh, quyết toán cũng “thông cảm” và bỏ qua.
Nếu người đứng đầu nghiêm...
Nước ta đã có quy định rõ ràng về chế độ tiếp khách, đi công tác đối với cán bộ, công chức, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao như chức vụ bộ trưởng và tương đương. Đảng, Nhà nước cần có chỉ thị nhắc nhở về vấn đề này để cán bộ, công chức tự giác thực hiện.
Đối với cán bộ, công chức cần tự giác, gương mẫu chấp hành theo hướng tiết kiệm, không tiệc tùng, rượu chè say sưa, thừa thãi thì sẽ đỡ rất nhiều gánh nặng cho địa phương, nhất là những nơi còn khó khăn, thiếu thốn. Với nguyên tắc có ăn nghỉ phải có thanh toán, trừ những cuộc chiêu đãi, các địa phương, cơ sở phải không ngại ngùng khi đặt vấn đề khách thanh toán trước khi khách ra về.
Trong vấn đề này, vai trò của người đứng đầu, trưởng đoàn công tác cực kỳ quan trọng. Nếu trưởng đoàn công tác tự giác nhắc nhở cán bộ, nhân viên của mình thì nhất định cấp dưới không thể không theo.
Vũ Lân