Tại một Diễn đàn mới đây về phát triển du lịch xanh, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: “Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là phương thức phát triển dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên; thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Tăng trưởng xanh trong phát triển du lịch bền vững góp phần khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên và văn hóa; góp phần giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu hóa thạch thông qua sử dụng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, điện gió, sinh khối… và nhiên, vật liệu mới tại các cơ sở kinh doanh du lịch nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính; giảm thiểu tác động tiêu cực, giảm xả thải ra môi trường tự nhiên thông qua các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, nước thải, hạn chế rác thải và ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm du lịch.
Tăng trưởng xanh trong phát triển du lịch bền vững cũng góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp, khách du lịch đối với bảo vệ tài nguyên và môi trường; hình thành “lối sống xanh” và thúc đẩy tiêu dùng du lịch bền vững; Góp phần tạo ra sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, hình thành điểm đến du lịch xanh. Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để phát triển bền vững.
Trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hai nhiệm vụ cụ thể về du lịch được đặt ra là: Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững; ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh... phát triển sản phẩm du lịch xanh. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định quan điểm phát triển du lịch bao trùm, trên nền tăng trưởng xanh.
Dẫn báo cáo về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh năm 2012 do Tổ chức Du lịch Thế giới (UN - TOURISM) và Chương trình Môi trường của Liên Hợp quốc (UNEP) phối hợp nghiên cứu và công bố, TS. Nguyễn Anh Tuấn đã chỉ rõ 6 thách thức lớn du lịch thế giới phải đối mặt như: Năng lượng và hiệu ứng nhà kính; tiêu dùng nước; quản trị rác và chất lượng nước; đa dạng sinh học; sự giảm thiểu của đa dạng sinh học; quản trị xây dựng và di sản văn hóa. Sáu thách thức này đòi hỏi du lịch toàn cầu phải phát triển theo hướng tăng trưởng xanh để hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ ra một số hạn chế, thách thức về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam như: Việc khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch tự phát ở một số địa phương, gây ảnh hưởng tiêu cực tài nguyên và môi trường, nhiều nơi tài nguyên bị xâm hại; gia tăng nhanh lượng khách du lịch vượt quá sức chứa của điểm đến; các doanh nghiệp du lịch vẫn chủ yếu sử dụng năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, chưa sử dụng năng lượng thay thế, nhiên liệu sạch; nhiều cơ sở du lịch, đặc biệt là cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống chưa có biện pháp tích cực xử lý rác thải, nước thải, tái chế, tái sử dụng; rác thải vẫn trực tiếp thải loại ra môi trường tự nhiên; ý thức của một bộ phận khách du lịch, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng ở các điểm du lịch chưa cao, còn tình trạng xả rác bừa bãi, không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường, cảnh quan; biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu khác như thiên tai, dịch bệnh tác động tiêu cực đến phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.
Một số giải pháp phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam được TS Tuấn đưa ra là hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững; xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh áp dụng trên cả nước và từng khu, điểm du lịch cụ thể. Bên cạnh đó là có cơ chế, chính sách thích hợp giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường nảy sinh trong phát triển du lịch; phát triển du lịch trên cơ sở tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ tài nguyên, bảo đảm tính nguyên sơ, nguyên bản của giá trị cảnh quan tự nhiên và di sản văn hóa dân tộc… Đặc biệt là cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn ngành du lịch và người dân về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.