Cam kết tiến độ triển khai siêu dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Chiều 30/9, tại Hà Nội diễn ra hội nghị cam kết tiến độ và ký cam kết giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Có 6 nội dung giao ước chung, 3 nội dung thi đua cụ thể.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh ký cam kết tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Ảnh: VGP)

Theo đó, lãnh đạo 3 địa phương thống nhất, việc xây dựng, trình UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh cơ chế chính sách áp dụng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bổ sung danh mục kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xong trong tháng 10/2022; tổ chức lập, phê duyệt, cắm mốc GPMB và bàn giao ranh giới GPMB cơ bản hoàn thành trong tháng 10/2022 và hoàn thành toàn bộ chậm nhất trong tháng 11/2022; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ban hành quyết định thu hồi đất và GPMB, tái định cư xong toàn dự án đầu tư hoàn thành tháng 12/2023.

Về bàn giao mặt bằng, lãnh đạo 3 địa phương thống nhất: Tháng 6/2023, phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng để khởi công công trình. Tháng 12/2023, cơ bản bàn giao mặt bằng đối với toàn tuyến của dự án. Phấn đấu khởi công công trình vào tháng 6/2023; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2027.

Các địa phương cùng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường cải cách hành chính, duy trì hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, chống tiêu cực, lãng phí trong sử dụng các nguồn lực; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện…

Doanh nghiệp liên quan ông Trịnh Văn Quyết bị siết nợ, bán "đất vàng"

Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Sài Gòn (Agribank Sài Gòn) vừa đưa quyền sử dụng 3.048m2 đất tại địa chỉ 358 Kinh Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM ra bán đấu giá. Thời hạn sử dụng đất 50 năm, kể từ ngày 24/1/2008. Giá khởi điểm lô đất này là gần 220 tỷ đồng. Chủ đầu tư được xây dựng trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng. 

Nhiều địa phương đưa ra cảnh báo người dân cảnh giác trước hoạt động huy động vốn của Công ty Nhật Nam với lợi nhuận "khủng" lên đến 5 - 7%/tháng, tương đương 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản (Ảnh chụp màn hình website nhatnamgroup.com.vn)

Theo tìm hiểu, lô đất 3.048m2 nói trên trước đây thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Nông dược HAI (Công ty HAI), trụ sở tại Q.1, TP.HCM. Quyền sử dụng lô đất này được Công ty HAI dùng làm tài thế chấp theo hợp đồng ký với Agribank Sài Gòn vào ngày 18/9/2019. Ngoài ra, hai bên còn có hợp đồng tín dụng vào ngày 27/7/2021. 

Công ty HAI được biết đến là doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái FLC do ông Trịnh Văn Quyết từng làm Chủ tịch HĐQT trong nhiều năm. Hiện Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC cũng đang sở hữu không ít cổ phần tại Công ty HAI. (Xem thêm)

Nhiều địa phương liên tiếp cảnh báo về Công ty bất động sản Nhật Nam

Sau Hòa Bình, Lào Cai đến Phú Thọ đưa ra cảnh báo người dân cảnh giác trước hoạt động huy động vốn của Công ty CP Đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam).

Theo UBND TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), hoạt động huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” của công ty có văn phòng đại diện tại thành phố Việt Trì bị đánh giá là “có nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế”.

Công ty BĐS Nhật Nam có trụ sở chính tại 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Người đại diện theo pháp luật là bà Vũ Thị Thúy (hộ khẩu thường trú khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa).

Thời gian gần đây, công ty này đã thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng tại các tỉnh, thành trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư với lợi nhuận khủng lên đến 5 - 7%/tháng, tương đương 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản (BĐS).

Quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là một vấn đề cần thiết phải xem xét và đặt trong tổng thể các quyền đối với tài sản, bảo đảm phù hợp với pháp luật về xây dựng, nhà ở, đất đai, dân sự. Quyền tài sản của dân, quyền giao dịch của doanh nghiệp không nên nay sửa, mai sửa. Ảnh: Hoàng Hà.

Hồi tháng 8/2022, Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an) từng ra văn bản thông báo trong đó có nêu Công ty BĐS Nhật Nam có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự. (Xem thêm)

Vụ chuyển nhượng dự án KDC Đại Nam của ông Dũng ‘lò vôi’ đổ vỡ

Liên quan đến thông tin Công ty TNHH MTV Tân Khai (thuộc Đại Nam Group của ông Huỳnh Uy Dũng, còn được gọi là Dũng “lò vôi”) vừa chuyển nhượng dự án Khu dân cư Đại Nam tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước với giá hơn 2.400 tỷ đồng, theo đại diện Đại Nam Group, thông tin nói trên không chính xác vì việc chuyển nhượng chưa xảy ra. Hai bên chỉ mới ký hợp đồng ghi nhớ vào tháng 5/2022 và bên mua không chuyển tiền đặt cọc sau 7 ngày theo cam kết. Vì vậy, hợp đồng này đã vô hiệu.

Đối tác ký hợp đồng ghi nhớ để nhận chuyển nhượng dự án Khu dân cư Đại Nam từ Công ty TNHH MTV Tân Khai là Công ty Cổ phần Vinasing Group. Có trụ sở tại Q.Đống Đa, TP.Hà Nội, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này là ông Lê Minh Thơ. (Xem thêm)

2 dự án nghìn tỷ của EVNNPT, Bộ Xây dựng nói chưa đủ cơ sở góp ý thẩm định

Theo Bộ Xây dựng, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án Đường dây 220kV Mê Linh - Bá Thiện (Vĩnh Phúc) được lập có quy mô đầu tư xây dựng không phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với tổng mức đầu tư khoảng hơn 994 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) có quy mô đầu tư xây dựng không phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016.

Dự án đường dây 220kV Than Uyên - Trạm biến áp 500kV Lào Cai trên địa bàn hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai sử dụng nguồn vốn của EVNNPT với tổng mức đầu tư hơn 786 tỷ đồng hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tồn tại các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn xây dựng đã hết hiệu lực, sơ bộ tổng mức đầu tư được lập thiếu căn cứ pháp lý, đồng thời thiết kế sơ bộ không đảm bảo các nội dung theo quy định. (Xem thêm)

Áp thời hạn sở hữu chung cư: Mục đích cuối cùng là gì?

Đề xuất của Bộ Xây dựng quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ theo thời hạn sử dụng công trình tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tranh luận. 

Theo TS. Phạm Duy Nghĩa, trên một lô đất xuất hiện nhiều tài sản, quyền tài sản khác nhau, nếu ta đăng kí riêng rẽ, sau này chùm tài sản đưa ra tranh chấp, tài sản phái sinh sẽ gây ra rủi ro vì sở hữu đa tầng không được quản lý nhất quán. Sở hữu chung cư 50 hay 70 năm, như vậy là can thiệp vào quyền tài sản. Vậy mục đích cuối cùng là gì, có phải an toàn hay khả năng lưu thông?

Dự án Khu căn hộ chung cư Kim Cương Xanh - Cara River Park do Công ty Đất Xanh miền Tây làm chủ đầu tư được quảng cáo trên nhiều trang mạng xã hội

“Chúng ta đừng nên vì mỗi luật riêng mà nên làm tổng thể, đi từ gốc, tỉa bớt cành; trong quy trình này, cố gắng tham vấn ý kiến đa chiều khác. Quyền tài sản của dân, quyền giao dịch của doanh nghiệp không nên nay sửa, mai sửa”, ông Nghĩa nói.

Nhiều đại diện doanh nghiệp đề xuất nên giữ nguyên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư theo quy định hiện hành. Việc quy định thời hạn sở hữu căn hộ chưa phù hợp với tâm lý của người mua.  Điều này có thể khiến thị trường nhà chung cư suy giảm và làm gia tăng nhu cầu về nhà ở thấp tầng, dẫn đến giá nhà đất sẽ tăng. Về tầm nhìn dài hạn, trong bối cảnh đất chật người đông, nhà chung cư là loại hình nhà ở đáp ứng nhu cầu nhà ở của tương lai. (Xem thêm)

Hà Nội sắp xây mới 2 chung cư cũ ở Long Biên

Hà Nội bổ sung thêm 2 khu tập thể cũ thuộc quận Long Biên vào danh mục tháo dỡ để cải tạo, xây dựng lại sau khi 100% các chủ sở hữu đồng ý thống nhất chủ trương xây dựng mới là Khu tập thể Hóa chất và Khu tập thể Rau quả nông sản tại 135 Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long. 

Theo kế hoạch ban hành đợt 1 và đợt 2, Hà Nội sắp cải tạo, xây dựng lại 8 chung cư cũ. Ngoài 2 khu tập thể tại Long Biên nêu trên, tại quận Ba Đình Khu tập thể Giảng Võ (nhà C8); Khu tập thể Thành Công (Nhà G6A); Khu tập thể Ngọc Khánh (Nhà A); Khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi ở cấp D). Quận Đống Đa có nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng. (Xem thêm)

Rao bán bát nháo ở dự án chung cư Kim Cương Xanh của Đất Xanh miền Tây

Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ Mai Như Toàn mới đây đã ký ban hành văn bản chấn chỉnh công tác quảng cáo tại dự án Khu căn hộ chung cư Kim cương Xanh-Cara River Park (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) do Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư Đất Xanh miền Tây (Công ty Đất Xanh miền Tây) làm chủ đầu tư bán nhà ở không đúng quy định. 

Sở Xây dựng cho biết, việc giao dịch kinh doanh nhà ở tại dự án theo quy định cần được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay Công ty chưa thực hiện thủ tục này.

“Mặt khác, ngoài quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư thì Công ty chưa hoàn thành bất kỳ thủ tục nào liên quan đến đầu tư xây dựng được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, cấp phép. Do đó, những thông tin được nêu trong quảng cáo, rao bán… là không đúng sự thật, chưa có cơ sở pháp lý (như diện tích căn hộ, các tiện ích…)”,  Sở Xây dựng TP  Cần Thơ nêu rõ. (Xem thêm) 

Thuận Phong