Tín ngưỡng thờ Mẫu có chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Qua quá trình tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng thờ mẹ thiên nhiên ban đầu đã hòa cùng các tôn giáo khác để trở thành một tín ngưỡng bản địa riêng có của Việt Nam.
Năm 2016, UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Âm nhạc cuốn hút của tín ngưỡng thờ Mẫu
Sáng nay, Viện Nhân học Văn hóa tổ chức tọa đàm khoa học “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam” với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và người thực hành tín ngưỡng.
Nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Đàm Lan cho hay: “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ là tín ngưỡng nội sinh của dân tộc... Tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn gốc từ thuở sơ khai nhằm thỏa mãn tâm lý của con người cầu mong về một cuộc sống bình yên, no đủ. Trong quá trình phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện khả năng tích hợp văn hóa và tích hợp tôn giáo cao, tạo ra một hệ thống điện thần với sắc màu đa văn hóa, đa dân tộc, đa tôn giáo một cách hài hòa nhưng mang đậm bản sắc của người Việt”.
PGS.TS Đỗ Lai Thúy - Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa cho hay, ông mê đắm mỗi lần nghe hát Văn trong mỗi giá đồng bởi đây là nghệ thuật kết hợp rất nhiều âm nhạc, mang tính chất tâm linh, cuốn hút người nghe.
"Tín ngưỡng thờ Mẫu có một nghi lễ điển hình, đó là hầu đồng. Người ta chỉ mới nhận thấy con đường của nghi lễ hầu đồng vượt qua khỏi định kiến bị coi như một hình thức mê tín dị đoan không được chấp thuận. Hay nhìn nhận nghi lễ hầu đồng từ khía cạnh tinh thần, nhưng với tư cách là một biện pháp trị liệu và chữa lành tinh thần, tạo ra một thực tại khác, nơi giải tỏa những căng thẳng trong đời sống hàng ngày, thì có lẽ chưa ai từng nghĩ nhiều tới", PGS.TS Đỗ Lai Thúy nói.
Các diễn giả đều đồng ý rằng, cùng với sự ghi danh của UNESCO, hiện nay tín ngưỡng Thờ Mẫu nở rộ như rừng hoa khoe sắc với thể thức thực hành, trang phục, vũ đạo... khác nhau. Tín ngưỡng thờ Mẫu xưa là kế thừa, tín ngưỡng ngày nay là phát huy.