- Thực tế cho thấy, việc tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả lãnh đạo là nhu cầu bức thiết cho mục tiêu kiến tạo phát triển.
Bộ máy cồng kềnh, việc gì cũng đá lên trên
Theo thống kê, cả nước có gần 11 triệu người hưởng lương và 2,5 triệu cán bộ công chức. Đến như nước Mỹ dân số 322,3 triệu dân (2015) mà công chức cũng chỉ bằng nước ta. Thủ tướng chính phủ từng nhấn mạnh thực tế 30% công chức “cắp ô”, có cũng được mà không có cũng chẳng sao.
Quốc hội cũng nhiều lần thảo luận về tình hình bộ máy hiện nay quá cồng kềnh, kém hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Doan hồi là Phó chủ tịch Nước cũng từng nói thẳng trong một cuộc họp Quốc hội rằng, dân nộp thuế cho ta ngồi đây. Bộ máy cồng kềnh thế này dân è cổ nuôi, làm việc không hiệu quả thì có lỗi với dân. Cái gì cắt được thì mạnh dạn cắt”.
Cả nước có gần 11 triệu người hưởng lương và 2,5 triệu cán bộ công chức. Ảnh minh hoạ: daibieunhandan. |
Một báo cáo được công bố công khai của đoàn giám sát của Quốc hội hôm 7/8 về việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 cũng cho thấy hiện tại số lượng người giữ vị trí lãnh đạo từ cấp phòng trở lên là quá lớn, dẫn đến mất cân đối trong tỷ lệ lãnh đạo và công chức.
Báo cáo này cũng thông tin cụ thể rằng, nếu năm 2011 tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên là hơn 12.200 người, tỷ lệ lãnh đạo trên công chức là 1/6 thì đến năm 2016 tăng lên hơn 13.500 người, tỷ lệ là 1/5 tức là cứ 5 công chức lại có một lãnh đạo.
Tương tự ở các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng từ hơn 3.800 lên hơn 4.600, tỷ lệ là 1/2 và 4/7 (tức cứ 7 công chức bình thường lại có 4 người lãnh đạo).
Báo cáo của Chính phủ về tình hình biên chế cũng cho thấy, có 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ dư biên chế tại các vụ, cục trực thuộc, một số nơi dư biên chế khá lớn như Bộ Tài chính dư 6.318 biên chế, Bộ Nội vụ dư 492 và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dư 604 biên chế. Không kém cạnh, 11 tỉnh, thành phố cũng góp mặt với tổng số 7.951 biên chế công chức sử dụng vượt quy định (vượt 5%). Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh vượt 996 chỉ tiêu, Bạc Liêu vượt 564 chỉ tiêu… Chỉ có hai Bộ là Công Thương và Nội vụ đề xuất giảm biên chế, còn có đến 20 bộ, ngành xin tăng thêm biên chế.
Nếu so sánh thời điểm năm 2011 với tháng 12/2016, tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) tăng từ 12.216 lên 13.556, tỷ lệ từ 1/6 lên 1/5. Tương tự, ở các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng từ 3.871 lên 4.619, tỷ lệ từ 1/2 lên 4/7.
Còn tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công Thương là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5... Tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở tỉnh Hà Giang là 3/4, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang là 1/2..
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) vừa qua, đánh giá khái quát việc đổi mới tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý; cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập; số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều.
Thực tế này cho thấy, việc tinh giảm bộ máy, nâng cao hiệu quả lãnh đạo là nhu cầu bức thiết cho mục tiêu kiến tạo phát triển.
Câu chuyện nhất thể hóa ở Cẩm Phả, Quảng Ninh
Hơn hai năm trước, Quảng Ninh đã thí nghiệm nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo giũa hệ thống Đảng và chính quyền. Kế hoạch này được triển khai với tên gọi. Đề án 25: “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”.
Những thành công của thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) đáng để mọi người suy ngẫm. Thành phố có diện tích 48.645 ha, đường bờ biển dài 73 km. Có 16 đơn vị hành chính trực thuộc (13 phường và 3 xã), 178 thôn, khu phố dân số gần 200.000 người. Về cơ bản từ cấp thành phố đến cấp xã, (phường), thôn (khu phố) đã hợp nhất chức đanh bí thư và chủ tịch. Tiếp theo là nhất thể hóa các chức danh của các ban ngành đoàn thể. Bước đầu Cẩm Phả đã hợp nhất Chủ nhiệm UB kiểm tra và Thanh tra; Ban Tổ chức và Phòng Nội vụ, Ban Dân vận và UB Mặt trận tổ quốc
Ngoài ra sáp nhập, sắp xếp tinh gọn một số tổ chức như Đội thanh tra xây dựng - Quản lý đô thị với Đội kiểm tra tài nguyên; Sáp nhập Trung tâm hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên với Trung tâm dạy nghề thành phố; Sáp nhập Trạm thú ý với Trạm bảo vệ thực vật…
Qua sắp xếp, sáp nhập tinh gọn lại bộ máy có thể thấy đã giảm được đáng kể, giảm được 9/71 biên chế = 12,7%, giảm 5 vị trí lãnh đạo; giảm 4 vị trí là Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp. Riêng xã phường giảm 32 vị trí và giảm 128 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Riêng viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã thực hiện giảm 249 vị trí.
Tại Phường Quang Hanh, sau khi triển khai đề án số cán bộ công chức là 21 (trước là 25), hoạt động không chuyên là 13 (trước 19), người hoạt động không chuyên trách ở khu phố là 132 (trước là 500).
Thành công được ghi nhận bước đầu ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) ai cũng có thể thấy. Bên cạnh một bộ máy gọn nhẹ, với việc giảm biên chế, Cẩm Phả còn tiết kiệm được những đồng tiền ngân sách.
Bài viết có sử dụng các tư liệu sau:
* Một số kết quả về công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở tại Đảng bộ Thành phố Cẩm Phả (8/2017)
* Báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị (Phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh, tháng 8/1017)
Nguyễn Đăng Tấn