Dịch Covid-19 đặt thế giới trước tình huống chưa có tiền lệ

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị có liên quan (AEM-52), diễn ra  tại Hà Nội từ 22-29/8 theo hình thức trực tuyến.

Với quy mô của tổng thương mại hàng hóa lên tới 2.800 tỷ USD và tổng GDP lên tới hơn 3.000 tỷ USD, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Năm 2019, các nước ASEAN đều có tốc độ tăng trưởng rất đáng kể và ngoạn mục, đều nằm trong top những nước có tốc độ tăng trưởng GDP hàng đầu thế giới.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã đặt thế giới vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, đe dọa phá hỏng và đẩy lùi những nỗ lực phát triển của thế giới. Trong đó, ASEAN không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của dịch bệnh mà trái lại cũng là một tâm dịch.

{keywords}
Toàn cảnh phiên họp trực tuyến 

Dịch bệnh xảy đến đúng vào năm Việt Nam đảm nhận cương vị chủ tịch ASEAN. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ: Trước tình hình dịch Covid-19 lan rộng, tác động tiêu cực tới xã hội và kinh tế, từ đầu năm đến nay, với vai trò chủ động thúc đẩy của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN, các nước ASEAN đã tích cực thảo luận, xây dựng các sáng kiến hợp tác nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, thể hiện trong các tuyên bố chung và kế hoạch hành động về ứng phó với dịch Covid-19.

Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng đã thảo luận và tìm cách giải quyết cho các vấn đề còn tồn tại trong hợp tác nội khối cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác.

Về hợp tác kinh tế ASEAN nội khối, các nước ASEAN đã thống nhất hướng xử lý vấn đề thông qua biểu thuế nhập khẩu thực hiện Hiệp định ATIGA chuyển đổi từ AHTN 2012 sang AHTN 2017 của Việt Nam; hoàn thành thủ tục chuẩn bị ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đối với chứng nhận kiểu loại cho sản phẩm xe cơ giới trong ASEAN (APMRA); thống nhất thực thi Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN (AWSC) từ ngày 20/9/2020.

“Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam và các nước ASEAN trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại nội khối”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Về hợp tác ngoại khối, một mặt ASEAN ưu tiên cho việc ký kết Hiệp định RCEP vào cuối năm nay, mặt khác có những trao đổi sơ bộ để rà soát, tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác khác như Australia, New Zealand, Canada,...

Ngoài ra, dịch Covid-19 đã đặt ra cho Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung những vấn đề cấp bách cần giải quyết để khắc phục hậu quả của đại dịch.

Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch Covid-19 và Sáng kiến chung giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.

Các Bộ trưởng ASEAN nhất trí việc cần duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trưởng trong thương mại và đầu tư, kiềm chế áp dụng các biện pháp gây hạn chế không cần thiết đối với thương mại, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch hồi phục sau đại dịch. 

{keywords}
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Sáng kiến của Việt Nam được ghi nhận

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, dịch Covid-19 dẫn đến việc các nước ASESAN đều phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội. Với vai trò là nước giữ cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ động thích ứng, nhanh chóng thay đổi phương thức tổ chức các sự kiện trong khuôn khổ ASEAN từ truyền thống sang họp trực tuyến, góp phần đảm bảo các hoạt động hợp tác kinh tế từ cấp Bộ trưởng đến cấp kỹ thuật của ASEAN diễn ra theo đúng kế hoạch.

Trong hội nghị lần này, vai trò quan trọng đó tiếp tục được Việt Nam thực hiện và hoàn thành tốt, đóng góp một phần rất quan trọng vào thành công của hội nghị.

Mặc dù việc tổ chức các cuộc họp trong khuôn khổ hợp tác ASEAN năm nay gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, trong số 13 sáng kiến, ưu tiên về hợp tác kinh tế mà Việt Nam đưa ra trong năm 2020, 2 sáng kiến “Xây dựng Chỉ số Hội nhập số ASEAN” và “Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN” đã được hoàn thành tại thời điểm diễn ra Hội nghị AEM lần thứ 52.

Các sáng kiến, ưu tiên khác vẫn đang tiếp tục được thảo luận và tích cực triển khai theo mục tiêu đề ra trong năm 2020. Việt Nam cũng tích cực cùng với các nước ASEAN khác và các nước đối tác thúc đẩy việc xử lý những vấn đề còn tồn đọng trong đàm phán Hiệp định RCEP - một trong những ưu tiên hợp tác kinh tế của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

“Việc hoàn thành các sáng kiến, ưu tiên kinh tế sẽ góp phần quan trọng củng cố, tăng cường sức mạnh nội khối, nâng cao vai trò của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đồng thời giúp ASEAN chủ động ứng phó với các thách thức phi truyền thống trong tương lai”, ông Trần Tuấn Anh đánh giá.

H.Duy