Hoảng hốt vì bị cắt giảm công suất
Làm nông nghiệp ở Gia Lai, năm 2020 ông Nguyễn Văn Quyền đã đầu tư thêm điện mặt trời áp mái vừa phục vụ trồng cây, vừa bán điện thu tiền vì nếu không làm điện mặt trới áp mái thì riêng tiền điện mỗi tháng ông mất khoảng 50 triệu đồng.
Mọi việc gần như hanh thông cho đến khi Covid-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam làm hệ thống bỗng dưng... thừa điện.
Huy động các nguồn điện suy giảm do Covid-19. Ảnh: Lương Bằng |
Ông Quyền kể: Tháng 9, chúng tôi bị cắt khoảng 50% sản lượng. Theo thông báo, tháng 10 tới đây chúng tôi sẽ bị cắt giảm khoảng 70-73% sản lượng. Tháng 11, và 12 mỗi tháng dự kiến bị cắt khoảng 75% sản lượng.
Ông Quyền âu lo: “Trước đây mỗi tháng thu được khoảng 240-250 triệu đồng tiền điện thì giờ được 80 – 90 triệu đồng. Giá như chỉ cắt giảm 20% thì không phàn nàn gì".
Không chỉ điện mặt trời áp mái, các nguồn điện khác đều đang đối mặt tình trạng cắt giảm sản lượng do nhu cầu tiêu thụ giảm. Nhiều chủ đầu tư trang trại điện mặt trời cũng “đứng ngồi không yên” vì bị cắt giảm công suất.
Cách đây ít lâu, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan không cắt giảm công suất, ưu tiên khai thác tối đa công suất dự án điện mặt trời của dự án điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450MW nhằm bù đắp các chi phí sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư.
Bởi vì nhà đầu tư này đang phải chịu chi phí truyền tải cho trạm biến áp 500KV Thuận Nam, các đường dây 500kV, 220kV do tập đoàn này đầu tư nhưng vẫn bị cắt giảm công suất và có thời điểm cắt giảm hơn 80% công suất.
"Thừa điện" khiến cả điện khí cũng bị lâm cảnh hiếm gặp. Hơn 10 ngày trước, UBND tỉnh Cà Mau cũng có công văn gửi Bộ Công Thương kiến nghị về việc chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường huy động Nhà máy điện Cà Mau 1&2 – các nhà máy điện chạy khí.
Điện khí Cà Mau. Ảnh: Lương Bằng |
Lý do là 8 tháng đầu năm 2021, khả năng cấp khí là 1,01 tỷ m3, tương đương với sản lượng điện sản xuất là 4,95 tỷ kWh. Trong đó, thực tế chỉ huy động 3,49 tỷ kWh, tương đương với 0,71 tỷ m3 khí tiêu thụ, làm giảm chỉ tiêu ngành công nghiệp, xây dựng 6 tháng đầu năm của tỉnh Cà Mau xuống 5,54% so với năm trước, GRDP của tỉnh chỉ đạt 45,82% kế hoạch.
Thực tế, việc cắt giảm công suất của các nhà máy điện là không thể tránh khỏi khi tiêu thụ điện xuống thấp.
Covid-19: Tiêu thụ điện giảm mạnh
Theo tìm hiểu của PV.VietNamNet, lượng điện tiêu thụ trên địa bàn cả nước đều giảm khá mạnh, nhất là các tỉnh phía Nam. Đơn cử tháng 9 này, dự kiến sản lượng điện tiêu thụ ở thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam giảm hơn 20%, còn miền Trung cũng giảm khoảng trên 15%...
Số liệu được EVN công bố cho thấy: Trong 2 tuần đầu tháng 9/2021, nhiều tỉnh thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 với những diễn biến phức tạp. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, tiêu thụ điện toàn quốc và miền Nam tiếp tục giảm thấp trong 2 tuần đầu của tháng 9/2021.
Trên quy mô toàn quốc, tính trung bình ngày trong 2 tuần đầu tháng 9 thì mức công suất đỉnh của toàn quốc là hơn 29.700 MW, sản lượng toàn hệ thống điện quốc gia là 624,3 triệu kWh/ngày. Như vậy, căn cứ với số liệu thống kê thì mức tiêu thụ điện toàn quốc trong 2 tuần đầu tháng 9 vừa qua đã thấp hơn 24% so với trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội diện rộng từ giữa tháng 7; đồng thời cũng thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Tiêu thụ điện giảm mạnh. |
Nhìn vào số liệu công suất nguồn điện dự kiến huy động ngày 28/9 được A0 công bố, có thể thấy sản lượng điện bị cắt giảm của từng loại hình. Tổng công suất lắp đặt của các nguồn điện là hơn 73,2 nghìn MW nhưng công suất huy động điệ vào thấp điểm trưa chỉ khoảng 28,2 nghìn MW, còn khi phụ tải vào cao điểm chiều – tối cũng chỉ là hơn 32,4 nghìn MW.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia công bố thông tin hàng ngày về dự kiến công suất huy động nguồn điện ngày hôm sau |
So với công suất "đỉnh" của hệ thống là hơn 42 nghìn MW, có thể thấy nhiều nhà máy điện sẽ không thể bán hết được điện lên lưới.
“Tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo đã và dự kiến được đưa vào vận hành đến cuối năm 2021 rất lớn, ảnh hướng đến công tác vận hành hệ thống điện và xảy ra tình trạng quá lưới điện cục bộ tại một số khu vực nên EVN phải thực hiện cắt giảm công suất các nguồn điện”, EVN cảnh báo trong 1 vân bản gửi Bộ Công Thương ngày 8/9.
Cùng với việc lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ các dự án điện, EVN kiến nghị Bộ Công Thương cho phép chỉ thực hiện ký kết thỏa thuận đấu nối các nguồn điện năng lượng tái tạo khi hệ thống lưới điện đáp ứng đảm bảo giải tỏa hết công suất các nguồn điện. Trường hợp việc đấu nối nguồn điện vào lưới điện gây quá tải, đề nghị chủ đầu tư báo cáo các cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phương án đấu nối hoặc điều chỉnh tiến độ dự án phù hợp khả năng đáp ứng của lưới điện.
Lương Bằng
EVN lệnh cắt giảm, các ông chủ nhà máy điện lo lắng
Tiêu thụ điện xuống thấp sẽ khiến nhiều nhà máy nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện gió... phải chịu cắt giảm công suất.