Còn ngập ngừng, ban hành quy định vượt thẩm quyền

“Nhiều địa phương (từ cấp tỉnh, huyện, xã) ban hành các quy định vượt thẩm quyền (không theo hướng dẫn của TƯ) gây khó khăn, cản trở trong sản xuất, lưu thông; địa phương không chủ động giải quyết những khó khăn vướng mắc của các DN trên địa bàn, còn tình trạng DN gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Chính phủ... ”.

Đó là một trong những hạn chế trong quá trình khôi phục lại hoạt động sản xuất được Tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa (Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19) nêu trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo ngày 24/9.

{keywords}
Ảnh: Phạm Hải

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp; nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thiếu do DN cung ứng dừng hoạt động, gây đứt gãy cung ứng trong sản xuất, giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới cao.

“Các doanh nghiệp đang thực hiện 3 tại chỗ muốn đổi người để duy trì sản xuất, nhưng địa phương chưa có giải pháp hiệu quả để thực hiện an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm, năng lực y tế địa phương chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu test nhanh, test PCR-RT, vắc xin, khoanh vùng, truy vết, cách ly các đối tượng F0 trong doanh nghiệp.... ”, tiểu ban phản ánh.

“Nhiều DN đang trong tình trạng kiệt quệ. Như chúng ta đã biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, có 85.000 DN thành lập mới nhưng có tới 90.000 DN rời bỏ thị trường. Đây là lần đầu tiên số DN rời khỏi thị trường lớn hơn DN thành lập mới”, ông Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chia sẻ tại tọa đàm ngày 11/10 do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội (Hanoisme) tổ chức.

Điều đáng nói, theo ông Vũ Tiến Lộc, ngay cả các DN duy trì hoạt động tại chỗ cũng chỉ được 10-15% công suất, ít DN nào hoạt động được công suất cao hơn vì không thể chịu nổi chi phí quá lớn.

Ông Lộc nhấn mạnh, cùng lúc DN phải chịu 3 áp lực lớn: Áp lực về phòng chống dich, áp lực về kinh tế và hệ lụy về tâm lý xã hội. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hệ lụy về y tế, hệ lụy về kinh tế mà việc khắc phục sẽ rất khó khăn và cần nhiều thời gian, song hệ lụy tâm lý xã hội là nặng nề nhất.

"Tôi nghĩ sau cuộc khủng khoảng này, rất nhiều DN sẽ phải rời bỏ thị trường. Bởi họ rất lo lắng, bất an, không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh. Đây là thiệt hại vô cùng lớn, tổn thất nặng nề nhất đối với DN nói riêng và nền kinh tế nói chung", ông nhìn nhận.

{keywords}
Hà Nội điều hàng chục xe buýt ra cửa ngõ đón người dân từ miền Nam về quê. Ảnh: Phạm Hải

Ông Vũ Tiến Lộc dẫn khảo sát cho thấy, có tới trên 20% số đơn hàng, hợp đồng của DN không thực hiện được do đối tác chuyển hợp đồng đi nơi khác. Đó là đơn hàng, hợp đồng chuẩn bị phục vụ cho dịp Noel và đầu năm mới 2022 do chúng ta phục hồi chậm hơn, mở cửa chậm hơn so với các nước khác. Nói cách khác, chúng ta đang bị lỡ nhịp so với các nước xung quanh, trong đó có cả các đối tác chiến lược và các nước cạnh tranh thị trường. Ông nhận định, các DN Việt Nam đã bị lỡ mất khoảng 20% cơ hội.

Sớm ban hành hướng dẫn “thích ứng an toàn”

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: Mở cửa chính là gói hỗ trợ cho DN, để DN “thở” được. Các biện pháp mở cửa thị trường trong bối cảnh TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác đã kiểm soát được dịch Covid-19 thực sự là tín hiệu vui để tái khởi động, phục hồi nền kinh tế và là dấu mốc đánh dấu sự trở lại của các DN. Tất nhiên, sự trở lại này vẫn còn vô vàn khó khăn.

“Chúng ta mất khá nhiều cơ hội về đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Nhưng chúng ta cũng kỳ vọng vào các đơn hàng, hợp đồng Xuân Hè 2022. Bởi, chắc chắn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại vào quý I/2022, trong đó có sự nỗ lực rất lớn của cả Chính phủ và cộng đồng DN”, ông Lộc nhận định.

Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ của Bộ Công Thương cho biết, lúc này các doanh nghiệp đang rất mong chờ ban hành Hướng dẫn tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đang được Bộ Y tế soạn thảo. Dự thảo này, Bộ Công Thương đã góp ý 3 tuần nay.

{keywords}
Bảng xác định cấp độ dịch tại dự thảo Hướng dẫn 

Hướng dẫn này được áp dụng chung cho các địa phương trên cả nước. Điểm đáng chú ý trong Dự thảo là khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 thì khoanh vùng ở mức nhỏ nhất. Việc đánh giá cấp độ dịch ở phạm vi cấp xã, tổ (đội), khu dân cư, xóm/khóm/ấp, thôn/bản/buôn/sóc/làng. Không thực hiện đánh giá cấp độ dịch ở cấp huyện, tỉnh.

Trường hợp phong tỏa ở phạm vi cấp xã thì Chủ tịch UBND cấp huyện báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh; trường hợp phong tỏa ở phạm vi cấp huyện thì báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh;  trường hợp phong tỏa ở phạm vi cấp tỉnh thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi áp dụng.

Tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cũng kiến nghị sớm ban hành Hướng dẫn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” để các địa phương có căn cứ triển khai đồng bộ, thống nhất. Điều này cũng tránh tình trạng tự ý ban hành các quy định vượt thẩm quyền.

"Cần ban hành Hướng dẫn này càng sớm càng tốt", vị cán bộ Bộ Công Thương chia sẻ.

Khi được mở cửa theo đúng các tiêu chí tại văn bản hướng dẫn của TƯ, địa phương sẽ được tháo gỡ phần nào trách nhiệm. Như vậy, công nhân sẽ có việc làm, họ không phải lũ lượt rời bỏ các tỉnh phía Nam về quê như chúng ta chứng kiến những ngày qua.

Lương Bằng

Nguy cơ vướng 'giấy phép con' khắp nơi

Nguy cơ vướng 'giấy phép con' khắp nơi

Bình thường mới, các DN phải được hoạt động, lao động phải được dịch chuyển, hàng hóa phải được lưu thông. Tuy nhiên, nguy cơ “giấy phép con” khiến DN gặp nhiều vướng mắc