- Theo đánh giá của nhiều luật sư, việc bà Trần Thúy Liễu - vợ nhà báo Hoàng Hùng - ra tự thú với cơ quan điều tra về hành vi giết chồng có thể được xem là một tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi.

TIN LIÊN QUAN


Theo luật sư Trần Tiến, Công ty luật Hà Nội VDT trả lời trên báo Đất Việt, tội của bà Liễu đã rõ ràng, chiếu theo Điều 93 Bộ Luật Hình sự, bà Liễu phạm tội giết người.

Tuy nhiên, trước khi đề nghị truy tố theo điều khoản nào thì các cơ quan điều tra cần phải làm rõ thêm một số tình tiết nữa, trong đó động cơ dẫn đến hành vi phạm tội vẫn chưa cụ thể dù có thể thấy rõ bà Liễu đã cố ý, có sự chuẩn bị từ trước để thực hiện hành vi đổ chất cháy đốt chồng.


Bà Trần Thúy Liễu. (Ảnh: Lao động)

Cũng theo luật sư Tiến, việc bà Liễu tự nguyện ra đầu thú có thể được coi là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm o, khoản 1, Điều 46, Bộ Luật Hình sự. Bà Liễu cũng có thể được hưởng thêm một tình tiết giảm nhẹ nữa nếu thành khẩn khai báo theo điểm p, khoản 1, Điều 46, Bộ Luật Hình sự.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, luật sư Lê Quang Vinh, Văn phòng Luật sư Nguyễn Đặng Linh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội trả lời trên Pháp luật Việt Nam cho rằng, việc thú nhận hành vi giết chồng của bà Liễu có được coi là tự thú hay không còn phụ thuộc vào nhiều tình tiết trong quá trình điều tra.

Đối với chi tiết gia đình có hai con là trẻ em và trong độ tuổi vị thành niên (một em đang học lớp 7, một đang học lớp 11 hiện bỏ học), luật sư Tiến nói rõ, đây không phải là tình tiết giảm nhẹ được xem xét tại tòa. Bởi theo luật, bị can có con dưới 36 tháng mới được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, xét về khía cạnh "tình", có thể tòa sẽ lưu ý xem xét khi đưa ra xử vụ án hy hữu này - dẫn lời trên báo Đất Việt.

Trao đổi với VietNamNet, TS xã hội học Trịnh Hòa Bình quan điểm, dư luận cần nhìn nhận việc này như bao vụ án hình sự khác, thi thoảng vẫn xảy ra ở nước ta và nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Bình, các phương tiện thông tin không nên quá "đào sâu" về đời tư của những người liên quan vì xét về góc độ tình người, đó là việc làm gây đau khổ cho những người thân vô tội.

Người có tội sẽ phải chịu tội trước pháp luật. Còn chúng ta hãy coi đây như một bài học để ứng xử với nhau tốt hơn. Đừng vì sự vô tình mà đẩy hai đứa trẻ đang chịu nỗi đau tột cùng về cha, về mẹ vào chỗ đường cùng, không lối thoát trong khi các em không đáng phải chịu hình phạt như vậy”, ông Bình chia sẻ.

Như thông tin VietNamNet đã đưa, ngày 23/2, cơ quan điều tra, Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố bà Trần Thúy Liễu, vợ nhà báo Hoàng Hùng về hành vi “giết người”.

Trước đó, anh rể bà Liễu là ông Nguyễn Văn Sữa cũng được mời đến cơ quan điều tra để làm việc. Ông Sữa là người đã ôm mền treo qua ban công sang nhà bà Liễu để dập lửa cho nhà báo Hoàng Hùng khi nghe tiếng kêu cứu.

Vào lúc 14h ngày 22/2, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét nhà riêng nhà báo Hoàng Hùng dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương, 2 con và người chị vợ của Hoàng Hùng.

Qua khám xét lực lượng chức năng thu giữ được một số tang vật liên quan đến vụ án như ống quẹt, ống hút xăng, bao nilon đựng xăng…

Vào thời điểm này, bà Liễu vẫn đang tiếp tục đối chất tại cơ quan điều tra. Theo ghi nhận bước đầu, từ khi ra tự thú (vào 21h30 ngày 20/2) đến nay, tinh thần bà Liễu thường xuyên hoảng loạn...

Minh Anh - Cẩm Anh (tổng hợp)

Điều 93 Bộ Luật hình sự về tội giết người quy định:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm



Điều 46. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;
e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;
k) Phạm tội do lạc hậu;
l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
m) Người phạm tội là người già;
n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
o) Người phạm tội tự thú;
p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;
r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.